Ninh Thuận cấp 10 mã số vùng trồng cho rau, quả với diện tích 80,6 ha

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… có quy định bắt buộc trái cây tươi và các sản phẩm nông sản từ các nước khác nhập khẩu vào nước họ phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Ðặc biệt, một số thị trường xuất khẩu trái cây “dễ tính” như thị trường Trung Quốc cũng đã đặt ra yêu cầu trên.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận đã thực hiện thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây tươi trên địa bàn tỉnh.

Trái cây và nhiều loại nông sản muốn đưa vào bán tại siêu thị và nhiều kênh bán hàng khác như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử… tại nước ta cũng phải đòi hỏi phải an toàn, đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP... và có mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời xây dựng cho tỉnh Ninh Thuận những vùng sản xuất rau, quả có thế mạnh, tính đến ngày 25/10/2022, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 10 mã số vùng trồng với diện tích 80,6 ha cây trồng được cấp mã số xuất khẩu. Cụ thể:

1 mã số cho Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh đồng Việt (sản xuất nha đam 09 ha); 2 mã số cho Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ (sản xuất chanh không hạt 23,3ha); 1 mã số cho Công ty TNHH Fara Farm (sản xuất dưa lưới 1,3ha); 1 mã số cho Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (sản xuất măng tây 30ha); 1 mã số cho HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nam miền Trung (sản xuất dưa lưới 2ha); 3 mã số cho Công ty TNHH Seagull ADC Ninh Thuận (sản xuất dưa lưới, dưa lê và bí hạt đậu 10ha); 1 mã số cho Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất nhập khẩu Indochi (sản xuất ớt 5ha).

chanh-kh-2-1667373038-small-1667383038.jpeg

Dưa lưới áp dụng công nghệ cao ở trang trại tại Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Được biết, việc cấp mã số vùng trồng sẽ giúp Ninh Thuận kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng; đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng, mở rộng thị trường, đáp ứng các điều kiện để hướng tới xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Dự kiến trong năm 2022, sẽ xuất khẩu được sản phẩm chanh tươi không hạt của Ninh Thuận xuất sang thị trường Anh và Nga.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận, cho biết, để phát huy giá trị của MSVT, thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chú trọng công tác tập huấn về quy trình canh tác theo hướng sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép và hoàn thiện các hồ sơ liên quan trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng, ông Dũng cho biết thêm.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/ninh-thuan-cap-10-ma-so-vung-trong-cho-rau-qua-voi-dien-tich-806-ha-a1046.html