Những sản phẩm đặc sắc
Với thế mạnh là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh, ẩm thực đa dạng và văn hoá đặc sắc. Những năm gần đây, xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, xã đã đẩy mạnh việc thành lập các tổ hợp tác để giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hoá địa phương, phát triển các sản phẩm truyền thống bản địa thành sản phẩm OCOP như: tổ hợp tác rượu cần Tiên Đồng; tổ hợp tác dệt thổ cẩm bản Phẩy Thái Minh…
Rượu cần Tiên Đồng - sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 Sao đang dần chiếm lĩnh thị trường.
Nhờ liên kết với nhau trong sản xuất, tiêu thụ nên các sản phẩm như rượu cần Tiên Đồng, thổ cẩm Thái Minh, măng loi trước đây chỉ tiêu thụ nội xã, nội huyện thì nay đã được nhiều người biết đến, sản xuất quy mô hơn, không ngừng thay đổi về mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao và được tiêu thụ rộng rãi thị trường trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài theo đường tiểu ngạch.
Trao đổi với phóng viên, ông La Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ cho biết: Trước đây, hộ nào biết hộ đấy, ai làm bao nhiêu, làm như thế nào là tuỳ vào mỗi hộ. Từ khi tổ hợp tác rượu cần được thành lập, các thành viên được tập hợp lại với nhau, gắn kết cùng nhau theo hình thức tự nguyện, hỗ trợ nhau trong sản xuất tiêu thụ và quảng bá sản phẩm rược cần… Nhờ đó, rượu cần Tiên Đồng được công nhận là sản phẩm OCOP, được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng, hiệu quả kinh tế cao hơn, thu nhập từ nghề cũng cao hơn.
Bưởi Thanh Mỹ của huyện Thanh Chương.
Hay như bưởi Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương là cây trồng bản địa. Bưởi Thanh Mỹ có những đặc trưng riêng biệt so với các loại bưởi khác như: vỏ quả khá trơn, vỏ quả dễ lột và khá mỏng; thịt quả và tép có màu vàng nhạt, ít nước và dễ tách, vị ngọt thanh đậm đà. Trong điều kiện bình thường, bưởi Thanh Mỹ có thể giữ được 3 đến 5 tháng. Trước đây, hầu như vườn nhà nào cũng trồng một vài gốc để lấy phục vụ trong gia đình. Nhận thấy sự khác biệt về mẫu mã và chất lượng quả nên chính quyền xã Thanh Mỹ đã lựa chọn bưởi Thanh Mỹ xây dựng sản phẩm OCOP địa phương. Cùng với đó, tiến hành các thủ tục để đăng ký mã QRCODE để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và giấy chứng nhận vùng trồng đạt chuẩn VietGAP. Năm 2021, sản phẩm bưởi Thanh Mỹ được chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 Sao, được tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại, thương hiệu bưởi Thanh Mỹ được quảng bá rộng rãi, được thị trường ưa chuộng và khá đắt hàng.
Đặc sản lạp xưởng của huyện Tương Dương.
Đến thời điểm hiện tại, toàn xã Thanh Mỹ có có 152 hộ dân trồng giống bưởi này với tổng diện tích trên 30 ha, vào mùa thu hoạch, các thương lái vào tận vườn để đặt mua. Các hộ trồng bưởi đã biết liên kết, cùng nhau xây dựng thương hiệu và tạo thành vùng trồng bưởi Thanh Mỹ tập trung, thống nhất lịch cắt bán, giá cả, tránh bị ép giá. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Với giá bán sỉ 25.000 đ/quả, các hộ trồng bưởi có thu nhập đạt khoảng 7 - 35 triệu đồng/mùa.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 249 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có đến hơn một nửa là sản phẩm của các địa phương miền núi. Điển hình như huyện miền núi Tân Kỳ với 14 sản phẩm đạt chuẩn OCOP như: măng loi, rượu cần, mật mía, mật ong…; huyện Thanh Chương có 12 sản phẩm tiêu biểu như: Trám đen, gà đồi, nhút, bưởi…; Tương Dương với các sản phẩm như: Bò giàng; cà ngọt khe Ngậu…
Cần thúc đẩy phát triển
Đặc sản bò Giàng.
Khu vực miền núi tỉnh Nghệ An có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là ẩm thực đặc trưng, độc đáo, có giá trị văn hóa và trở thành sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong đó, có những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền, có giá trị kinh tế, thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm chất lượng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, sản phẩm lợi thế của khu vực miền núi chưa được khai thác, phát huy hết giá trị.
Cụ thể, huyện Con Cuông, theo khảo sát, trên địa bàn có rất nhiều sản phẩm lợi thế, đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế, có khả năng mở rộng thị trường và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP như: Rượu men lá bản Xiềng (Đôn Phục), rượu cần Mậu Đức, Mây tre đan bản Diềm, lợn đen... Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm trên vẫn đang ở dạng tiềm năng, quy mô nhỏ, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ nên việc quản lý, duy trì, phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn... Đến nay, trong 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì có đến 4 sản phẩm thuộc Công ty CP dược liệu Pù Mát, chỉ có 3 sản phẩm của các địa phương. Hay như tại huyện Nghĩa Đàn là địa phương có rất nhiều lợi thế trong phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên đến nay, toàn huyện mới chỉ có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP.
Cam bù sen - một sản phẩm OCOP của huyện Anh Sơn.
Thực tế, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện chương trình OCOP của các địa phương miền núi chính là việc xây dựng được thương hiệu; sức cạnh tranh cho sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; chủ thể sản xuất chưa đầu tư về mẫu mã; chưa có sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, chưa thu hút nhà đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, các chủ thể hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế, phát triển, nhu cầu thị trường... Do đó, để các sản phẩm lợi thế của các địa phương miền núi trở thành sản phẩm OCOP, có thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường cần có sự đồng hành của chính quyền địa phương và các chủ thể sản xuất. Các cấp chính quyền địa phương tạo cơ chế, các chính sách, còn các chủ thể sản xuất cần sự nỗ lực của mình, trong đó, vai trò của các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác cần được phát huy…Có như vậy thì những sản vật miền núi mới khẳng định và duy trì được chỗ đứng trên thị trường.
Tuệ Nhi
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/nghe-an-khang-dinh-cho-dung-cua-nhung-san-vat-mien-nui-a1074.html