Theo bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama, Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam cho biết, Hội nghị COP27 là một tiến trình tiếp nối của Hội nghị COP26, nhằm tiếp tục thực hiện và tăng cường hợp tác giữa các bên, chứ không phải một sự kiện đơn lẻ. Theo đó, Hội nghị COP27 năm nay sẽ ưu tiên các vấn đề về thích ứng, khắc phục tổn thất, giáo dục, nâng cao tham vọng khí hậu của các bên. Đồng thời, đặc biệt chú trọng những vấn đề khó khăn mà các quốc gia đang phát triển đang gặp phải, đơn cử như an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, giải pháp thích ứng bền vững trong quá trình đô thị hoá, giảm tổn thất và lãng phí nguồn nước...
Ông Ronald Bohlander, Tham tán Khí hậu, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho hay, một trong những thành tựu lớn nhất tại COP26 là hình thành Thoả thuận Glasgow giữa 192 quốc gia, chiếm khoảng 92% nền kinh tế thế giới, với cam kết giảm phát thải khí nhà kính, giữ cho nhiệt độ trái đất không vượt quá 1,5 độ C. Hiện nay, nếu các nước vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những cam kết tại COP26, thế giới vẫn có thể đạt được những mục tiêu về khí hậu.
Cũng theo ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ tầng ô-zôn và Phát triển kinh tế carbon thấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự thành công của COP26 là hình thành những cam kết và kỳ vọng COP27 sẽ là tiến trình tiếp nối những cam kết này. Tầm quan trọng của COP27 và những COP sau này là thúc đẩy thực hiện những cam kết COP26 thành hiện thực, như các cam kết về tài chính, giảm nhẹ khí nhà kính.
Hội nghị COP27 sẽ tập hợp các quốc gia để cùng nhau thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm thực hiện các cam kết đối phó với khủng hoảng khí hậu. Ảnh minh họa về biến đổi khí hậu (Ảnh: thiennhien.net).
Ngay sau COP26, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ban hành những chính sách, chiến lược hành động để tạo cơ sở cụ thể hoá những cam kết của mình. Đến nay, Việt Nam được nhiều quốc gia đánh giá là “điểm sáng” trong các hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu như ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030…
Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ cần phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, đảm bảo sinh kế bền vững như: Ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có; phát triển hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu...
Không quốc gia nào là ngoại lệ khi thời tiết trở nên cực đoan. Báo cáo của Cơ quan Quan sát hạn hán châu Âu (EDO) cho thấy, “lục địa già” đang trải qua mùa hè khắc nghiệt nhất trong vòng 500 năm. Các sông băng tan chảy nhanh chóng ở Pakistan gây áp lực lên các tuyến đường thủy của nước này, trong khi bão, lũ liên tục đổ bộ vào Mỹ hay Philippines.
Đặc biệt, nhiều quốc gia châu Phi đang phải hứng chịu những hậu quả tồi tệ của biến đổi khí hậu (BĐKH), có thể kể đến thảm họa lũ lụt tại Nigeria, đợt hạn hán tồi tệ tại vùng châu Phi, hàng loạt trận lốc xoáy và mưa xối xả tại Madagascar, Mozambique hay Nam Phi.
Reuters dẫn dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu thảm họa (CRED) có trụ sở tại Brussels, Bỉ thống kê các trận hạn hán, lũ lụt và mưa bão trong năm ngoái đã gây thiệt hại hơn 224 tỷ USD trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu (BĐKH) còn làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia. Trong một bài viết mới đây trên trang mạng của Viện Nghiên cứu các Vấn đề quốc tế của Australia (AIIA), TS Saskia van Wees đánh giá, các nước thu nhập cao tích lũy sự giàu có thông qua công nghiệp hóa nhờ sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ, dẫn đến lượng khí thải lớn, gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Trong khi các nước giàu có thể đủ khả năng đầu tư tốt hơn vào giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, những quốc gia thu nhập thấp gây tác động ít đến tình trạng này lại đang phải chịu gánh nặng nhiều hơn. Đơn cử, Báo cáo “Tình trạng khí hậu ở châu Phi năm 2021” của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, tình trạng căng thẳng về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến 250 triệu người ở châu Phi và khiến 700 triệu người phải di cư vào năm 2030, trong khi châu lục này chỉ chiếm 2-3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Thách thức lớn nhất đối với nhân loại chính là biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái Đất; đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Minh Huy
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/hoi-nghi-cop-27-cac-quoc-gia-cung-no-luc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-a1082.html