Doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động kinh doanh

Để nhận diện các vấn đề và tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật về kinh doanh, sáng này 11/11/2022, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”.`

Thời gian gần đây, Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, thông qua các chính sách cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, rà soát các quy định mâu thuẫn, chồng chéo tháo gỡ các “điểm nghẽn” của hoạt động kinh doanh, tiến hành sửa đổi một loạt các luật lớn tác động đến môi trường đầu tư … Môi trường đầu tư kinh doanh cũng vì thế có chuyển biến và thuận lợi hơn.

Mặc dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.

vcci-1668140620-1668227096.jpeg

Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Ảnh Hương Lan.

Tại hội thảo, trình bày Báo cáo đánh giá về chất lượng của thông tư, công văn – hai văn bản quan trọng trong hướng dẫn thi hành các quy định, chính sách thể hiện trong luật, pháp lệnh, nghị định, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết: "Bên cạnh những mặt được, tích cực thì thông tư vẫn còn những vấn đề về mặt chất lượng của quy định. Chẳng hạn như: thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh – điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn".

Hiện tượng, lạm dụng ban hành thông tư dường như vẫn đang tồn tại. Tình trạng trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào thông tư đã khiến cho những lo ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại.

Bên cạnh đó, chất lượng của công văn – một dạng văn bản hành chính cũng được phản ánh tại báo cáo. Từ lâu, doanh nghiệp đã quen với các dạng Công văn hướng dẫn áp dụng luật trong thời gian chờ các văn bản hướng dẫn luật ban hành. Mặc dù đây là một giải pháp tình thế, nhưng đưa đến nhiều nguy cơ về việc công văn chứa đựng các quy phạm pháp luật lại được ban hành phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan của cơ quan ban hành.

Các vấn đề như chất lượng của công văn chưa được đảm bảo, không đủ độ tin cậy, tình trạng các công văn trả lời chậm, thậm chí không trả lời khi doanh nghiệp gửi các câu hỏi, vướng mắc cũng được nêu ra trong Báo cáo. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ ra những nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị để nâng cao hơn chất lượng của các loại văn bản này, đặc biệt là các yêu cầu cần phải có cơ chế kiểm soát tốt hơn về quy trình xây dựng thông tư cũng như nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hành công văn.

Trong khuôn khổ hội thảo, các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia tại Hội thảo cũng đã đánh giá, thảo luận về chất lượng của các văn bản pháp luật trong ngành, lĩnh vực mà mình kinh doanh, qua đó đưa ra các kiến nghị để nâng cao chất lượng của các văn bản pháp luật.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/doanh-nghiep-van-con-gap-nhieu-vuong-mac-trong-hoat-dong-kinh-doanh-a1147.html