Doanh nghiệp cần cải thiện nội lực trên nhiều mặt để tận dụng hết lợi thế từ UKVFTA

Vương quốc Anh là thị trường lớn, sức mua cao. Xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đang đạt kết quả tích cực.

Theo Bộ Công Thương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) được áp dụng tạm thời kể từ ngày 01/01/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2021. Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn đạt mức tăng trưởng cao kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh trong năm đầu tiên thực thi UKVFTA (năm 2021) đã đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.

Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình chính trị phức tạp trên thế giới, dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Vương quốc Anh vẫn đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021. Đa số các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đạt tăng trưởng cao xuất khẩu sang Anh, trong đó, cà phê, hạt tiêu, cao su, rau quả, may mặc, giày dép… đều tăng trưởng gần 100%.

Tính đến tháng 5/2022, Anh có tổng cộng 462 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh, đồng thời tham gia vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp sang Anh, tận dụng lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.

hiep-inh-ukvfta-1668399831-1668477160.jpg

Tọa đàm: “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFT".

Tuy nhiên, tại Tọa đàm với chủ đề: “Cải thiện năng lực nội tại, tận dụng cơ hội từ UKVFTA”, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Hiện tại giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm không quá 1% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Vương quốc Anh.  

Trong khi đó, theo ông Khanh, việc thực thi Hiệp định UKVFTA mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam. Đầu tiên là lợi thế về thuế, mức cắt giảm thuế của Vương quốc Anh tương đương EU trên 88% cắt giảm ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, tối đa lộ trình khoảng 7 năm tạo lợi thế rất tốt so với nhiều đối tác trong khu vực. Lợi thế thứ hai là tư duy mở rộng hiện nay của Vương quốc Anh. Sau khi Brexit trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung, Vương quốc Anh hướng đến các thị trường có FTA, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường được quan tâm.

Từ góc độ của doanh nghiệp tận dụng Hiệp định UKVFTA xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Vương quốc Anh, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trước Brexit Vương quốc Anh (UK) đã là một thị trường khá quan trọng của sản phẩm Việt Nam, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường UK thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang tất cả các nước thành viên EU.

Mặc dù, UK không còn là thành viên EU nhưng nhờ có UKVFTA, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào UK vẫn đạt trên 265 triệu USD, tăng trên 18% so với năm 2020. Trong đó, có đến trên 92% sản phẩm gỗ mà chúng ta xuất khẩu sang UK là đồ mộc, đồ nội thất là nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn so với các sản phẩm gỗ được dùng làm vật liệu trung gian cho các công đoạn chế biến tiếp theo trong ngành công nghiệp gỗ và các doanh nghiệp của chúng ta cũng đã tận dụng được cơ hội mà UKVFTA mang lại.

Do đó, khuyến nghị với doanh nghiệp, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, cần nhìn nhận Vương quốc Anh là thị trường có tiêu chuẩn cao, không phải là hàng rào kỹ thuật cao mà là tiêu chuẩn của họ cao với mức thu nhập cao, tư duy đối với môi trường, lao động có sự khác biệt cần phải chú ý.

Theo ông Khanh, những doanh nghiệp Việt Nam quen giao thương với các thị trường truyền thống có thể chưa quen với những vấn đề này, cần có thêm thời gian để thích ứng. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều doanh nghiệp đồ gỗ, dệt may, nông sản… đã thành công trong việc tận dụng UKVFTA để xuất khẩu sang Anh cho thấy, không phải xuất khẩu sang Anh khó khai thác, thị trường Anh không có nhiều rào cản kỹ thuật như thế, biết cách làm tự tin thì vẫn làm được... Có những doanh nghiệp đi trước, có những người mở được thị trường thì các doanh nghiệp khác cũng sẽ làm được.

Một điểm cần chú ý là trong bối cảnh Vương quốc Anh thúc đẩy quá trình tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác khác trên thế giới thì lợi thế do Hiệp định UKVFTA mang lại cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam không kéo dài mãi. Nếu không chủ động nắm bắt sẽ lãng phí các cơ hội, do vậy cần kết nối tất cả doanh nghiệp đồng hành, cùng phối hợp với cơ quan quản lý để làm sao tận dụng UKVFTA cho tốt nhất, hiệu quả nhất.

Trang Thảo

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/doanh-nghiep-can-cai-thien-noi-luc-tren-nhieu-mat-de-tan-dung-het-loi-the-tu-ukvfta-a1174.html