Cái tên "Đảo Ngọc" thân thương là cách mà mỗi người con quê hương và bà con vùng lân cận vẫn gọi dành cho làng Ngọc Trì, xã Quế Nham, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Gọi là đảo bởi từ xa xưa, mỗi mùa mưa lũ là làng bị ngập trong nước lụt bao quanh. Người trong làng muốn ra hay người ngoài muốn đi vào đều phải qua đò. Tiếng gọi đò những trưa không ngủ hay mỗi sớm bình minh, những khi mặt trời khuất sau rặng tre già… là những ký ức không thể nào quên về Đảo Ngọc.
Cảnh làng xưa cùng những lũy tre già.
Nhớ xưa, những ngày nước lụt lên bao phủ, đám trẻ trong làng muốn tham gia hoạt động trại hè của xã phải lần lượt bơi thuyền. Hình ảnh đội thiếu nhi vừa bơi thuyền vừa đánh trống, hình ảnh các mẹ, các bà gánh gạo, gánh củi, gánh cả bát đĩa, xoong nồi lên xã nấu cơm để các con được vui với phong trào in dấu mãi không thể nào quên. Tuổi thơ ai đã đi qua sẽ mãi thành hoài niệm, thành một phần máu thịt để đau đáu nhớ về. Những buổi chiều thả trâu ra đồng ruộng, ngụp lặn dưới ngòi mà bắt cá, bắt cua…Có lẽ cũng vì thế mà trẻ em được sinh ra từ nơi đây từ thủa nhỏ đã biết bơi, biết lội, biết chèo thuyền, biết đánh cá, bắt tôm.
Với đặc thù là một ngôi làng nằm cạnh dòng sông Ngâm Ngao bốn mùa nước chảy, dân làng Ngọc Trì quanh năm được làm bạn với cá tôm. Nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nghề chài lưới. Khúc sông quê hiền hoà đã cung cấp nguồn dinh dưỡng tự nhiên nuôi biết bao người con nơi đây khôn lớn. Là một ngôi làng thuần nông hoàn toàn và không có nghề phụ hay thủ công nghiệp, cuộc sống của bà con nơi đây vốn dĩ rất yên bình và môi trường hoàn toàn trong sạch. Đặc trưng trong tính cách mỗi con người cũng rất đỗi giản dị, hiền hoà. Nghĩa xóm, tình làng trước sau như một. Bà con quanh năm sống chan hoà đầm ấm, yêu thương và đùm bọc nhau bằng tất cả tấm lòng.
Học sinh đạp xe trên con đường làng quen thuộc.
Cả thôn có 127 hộ với trên 530 nhân khẩu, người trong thôn luôn coi nhau như anh em ruột thịt một nhà. Nét sinh hoạt cộng đồng là một minh chứng rõ nét cho tình làng nghĩa xóm. Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao rất được ưa chuộng nhưng sôi nổi và đặc thù hơn cả vẫn là giải bóng đá nữ. Đây là một sợi dây kết nối tất cả các công dân trong làng không kể già trẻ, lớn bé, đều một lòng ủng hộ và tích cực tham gia. Tình đoàn kết từ đó mà được củng cố, tệ nạn xã hội cũng không có chỗ len chân. Hoạt động văn hoá văn nghệ lành mạnh đua nhau phát triển, đời sống nhân dân vui vẻ, ấm êm. Bốn năm liền được xếp danh hiệu làng văn hoá.
Nhớ lại khoảng hơn 20 năm về trước, đường vào làng phải đi qua một cây cầu tạm. Đó cũng là một trải nghiệm thú vị cho ai muốn thử cảm giác bồng bềnh, sợ sợ, rồi vụt chạy qua. Từ năm 2018 đến nay, cây cầu được xây mới góp phần làm cho đời sống của bà con được cải thiện đáng kể. Đường vào làng trải dài theo một triền đê uốn lượn đã được đắp cao nên không còn cảnh chèo thuyền vào làng qua mênh mông nước lụt như những ngày xưa. Chỉ có luỹ tre già và sự yên bình vẫn còn ở lại, nguyên sơ như thủa ban đầu. Để đến được thôn Ngọc Trì có thể đi qua 3 con đường chính, và ở lối đi nào cũng dễ dàng bắt gặp những rặng tre. Đây là một trong số ít làng quên còn lưu giữ được nét thanh bình trong nhịp sống ngày càng hiện đại. Bao quanh xóm làng là những luỹ tre xanh mướt, như vòng tay người mẹ ôm ấp, chở che hiện lên với tất cả nét đẹp thuần nông, yên bình và đặc biệt lý tưởng cho những ai muốn hít thở bầu không khí trong lành với khung cảnh nên thơ, đậm chất quê.
Chiều quê vi vút gió heo may cười đùa trên cánh đồng sau vụ gặt, tiếng đàn vịt kêu chiều đánh thức cả không gian. Bên dòng chảy hiền hoà của con ngòi uốn lượn, có những đàn trâu đang gặm cỏ thong dong. Thả hồn theo những bước chân trên triền đê gió mát, thấy thêm yêu biết bao một đảo ngọc xanh với tất cả yên bình. Muốn níu lại tất cả những gì của một làng quê đậm màu xưa cũ.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/bac-giang-co-mot-mien-que-dang-song-mang-ten-dao-ngoc-a1195.html