Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng rau quả của thị trường EU rất lớn

Sau 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA mang lại kết quả tích cực, song theo các chuyên gia dư địa còn rất lớn. Hiện nay, thị phần nhiều mặt hàng thế mạnh, chiến lược của Việt Nam vẫn còn rất thấp, như rau, quả khoảng hơn 2-3%, thủy sản khoảng hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.

Là đơn vị nông sản đầu tiên xuất khẩu 100 tấn chanh leo sang thị trường EU, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, dư lượng nhập khẩu của EU rất lớn. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu rau quả chiếm khoảng 45%. Ngoài ra, các nước EU không trồng được các loại rau quả nhiệt đới, như dứa, chuối, chanh leo... Vì vậy, họ ít có biện pháp phòng vệ như các nước khác. Ngoài ra, châu Âu thanh toán sòng phẳng nghiêm túc. Đây là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm xuất khẩu rau quả hàng đầu với hơn 55 thị trường trong đó có các thị trường rất lớn, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt từ khâu làm nguyên liệu, vận tải, đặc biệt là nhà máy, tập huấn cho những người lao động, kể cả nông nghiệp công nghiệp và đảm bảo môi trường thì xuất khẩu sang EU không phải là khó và dư lượng rất lớn nên chúng ta không sợ cạnh tranh. EU hiện cũng rất biết đến Việt Nam, nên các doanh nghiệp Việt có thể cùng gắn bó, đoàn kết và cùng hợp tác với nhau. Ví dụ trong Hiệp hội Rau quả hợp tác với nhau, Hiệp hội Xoài hợp tác với nhau để đảm bảo được lợi ích, từ người lao động đến nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, để các doanh nghiệp cạnh tranh được, không những ở thị trường EU và thị trường trong nước, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp phải làm tốt hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng hàng hóa phải tốt. Thứ hai là giá thành hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ vì đây vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất. Có nhiều cách tiếp cận như thương mại điện tử, Facebook… nhưng hội chợ vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất.

rau-cu-1669172585-1669276650.jpeg

Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU rất lớn. Ảnh minh họa.

Ông Đinh Cao Khuê cho biết, cơ quan chủ trì như Bộ Công Thương cần phải tổ chức cho các doanh nghiệp một cách bài bản hơn, từ cách trang trí, hỗ trợ đến thiết kế, đến gian hàng. Vì mỗi hội chợ thì một công ty chỉ được 4-6m2, không đủ chỗ trang trí, không đủ chỗ để làm… thì vẫn không ổn. Cần có những gian hàng quốc gia hoặc ngành hàng với quy mô lớn hơn. Vì sản phẩm của doanh nghiệp hiện nay không thua kém gì các nước khác.

Đối với doanh nghiệp, ông Khuê cho rằng, cần đầu tư vào sản xuất lớn để có thể áp dụng được các biện pháp khoa học kỹ thuật, từ phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc và đặc biệt là tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng cạnh tranh. Một vấn đề nữa là phải hình thành chuỗi liên kết từ bà con nông dân, các hợp tác xã đến các thương lái để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết thêm, đối với công tác xuất khẩu rau quả, hiện Việt Nam đang ghi nhận một số lợi thế từ các FTA thế hệ mới. Các doanh nghiệp điển hình như khối EU đã hướng tới thị trường Việt nam nhiều hơn. Do đó, việc xuất khẩu rau quả khi vào các thị trường FTA thì vấn đề thuế quan chỉ là một phần. Hiện vấn đề mà chúng ta đang vướng đó chính là các hàng rào kỹ thuật. Để có thể tham gia sâu hơn vào sân chơi này, các doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ khiêm khắc các quy tắc của từng thị trường tại nước đó.

Ông Nguyễn Đình Tùng ví dụ, thị trường EU tưởng “dễ mà khó, khó mà dễ” bởi hàng hóa xuất khẩu vào EU không cần đàm phán. EU cho phép tất cả các loại trái cây vào nhưng họ kiểm soát hơn 30 các loại dư lượng và họ kiểm soát rất chặt vấn đề này.

Hiện Việt Nam có một lợi thế để xuất khẩu rau quả đó chính là người nông dân Việt Nam có thể tạo ra sản phẩm quanh năm. Bên cạnh đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại cũng được Bộ Công Thương triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một điểm yếu mà các doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục đó là công tác marketing sản phẩm còn chưa được tốt, các doanh nghiệp nước ngoài họ chưa biết đến nhiều. Riêng lĩnh vực này nước bạn như Thái Lan làm tốt hơn chúng ta rất nhiều. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm hơn nữa.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị, thực ra không chỉ riêng ngành rau củ quả của Việt Nam mà đối với các ngành hàng xuất khẩu khác, cái khó nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay đó chính là vấn đề dòng tiền. Thiếu dòng tiền, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị “nghẽn” lại. Trong thời gian tới, chúng tôi hi vọng khi dòng tiền được lưu thông thì công tác xuất khẩu sẽ phát triển thuận lợi hơn.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/nhu-cau-nhap-khau-mat-hang-rau-qua-cua-thi-truong-eu-rat-lon-a1273.html