Thời gian qua, huyện Tân Lạc đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá vùng trồng để đề nghị cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU cho 6 vùng trồng bưởi với tổng diện tích 153ha; hỗ trợ liên kết ký Thỏa thuận hợp tác về phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi đỏ Hòa Bình trên địa bàn huyện, giữa Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây bưởi của huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía và bưởi đỏ Tân Lạc.
Được biết, tỉnh Hòa Bình có khoảng 2.600 ha trồng bưởi đỏ. Trong đó riêng huyện Tân Lạc có 240 ha được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU được cấp cho 140 ha bưởi đỏ trồng tập trung. Các vùng trồng được giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh và việc canh tác, phòng ngừa dịch bệnh của người sản xuất.
Trước đó, ngày 23/11, toàn bộ 6 mẫu bưởi đỏ đều đạt yêu cầu kỹ thuật của 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của EU và Vương quốc Anh. Đồng thời, sản phẩm cũng được cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam công nhận không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Công Sứ nhấn mạnh, thành quả này là sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh, cùng các hợp tác xã và người dân địa phương huyện Tân Lạc. Bưởi đỏ Tân Lạc sẽ là nguồn cổ vũ, khích lệ để nông dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục có những chuyến hàng đối với các mặt hàng nông sản khác được xuất khẩu, đưa xuất khẩu trở thành một trong những kênh tiêu thụ đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Công nhân đang dán nhãn, đóng gói sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc chuẩn bị xuất khẩu.
Ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, bên cạnh việc phát triển, mở rộng diện tích, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác bưởi đỏ của người dân ngày được nâng cao, phát triển theo hướng bền vững. Người dân nhận thức rõ vai trò sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học, bảo đảm đúng quy chuẩn quy định về kiểm dịch thực vật, tất cả các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc, đáp ứng sẵn sàng để bưởi đỏ Tân Lạc xuất khẩu qua thị trường thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài là mía và bưởi đỏ Tân Lạc. Năm 2022, huyện đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 6 mã số vùng trồng xuất khẩu bưởi sang thị trường châu Âu; có 1 mã cơ sở đóng gói quả tươi.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, huyện Tân Lạc chú trọng xây dựng vùng trồng đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, diện tích cây ăn quả có múi (cam, bưởi). Toàn huyện Tân Lạc hiện có 1.523,8 ha, diện tích kinh doanh đạt 1.420 ha, tổng sản lượng ước đạt 22,2 nghìn tấn.
Đến nay, toàn huyện có 9 cơ sở với trên 240 ha cây ăn quả có múi đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, 1 cơ sở đạt chứng nhận hữu cơ; có 1 cơ sở sơ chế, đóng gói của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; 3 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao (cam, bưởi sạch của hợp tác xã Sơn Hoa; bưởi đỏ Giang Lộc của hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc; bưởi hữu cơ Tân Đông của hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông); có 11 hợp tác xã và 6 tổ hợp tác tham gia sản xuất cây ăn quả có múi; trong đó, có 3 hợp tác xã có liên kết tiêu thụ sản phẩm; có 140,5 ha bưởi được cấp mã vùng trồng (6 mã).
Hai năm qua, mới chỉ có 10 lô bưởi với trên 200 tấn xuất khẩu sang Anh, nhưng hầu hết đều là bưởi da xanh từ các tỉnh phía Nam.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/hoa-binh-xuat-khau-lo-buoi-do-dau-tien-sang-thi-truong-anh-a1291.html