Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam đã tăng hơn 77% về số lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này thể hiện sự chuyển dịch rõ nét trong thói quen thanh toán của người tiêu dùng, họ chuyển từ thanh toán không dùng tiền mặt sang hình thức thanh toán kỹ thuật số.
Cụ thể, giao dịch qua internet đã tăng 63,2% về số lượng và tăng 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021; giao dịch qua điện thoại di động tăng hơn 98% về số lượng và hơn 84% về giá trị. Khoảng 68% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).
Đồng thời, nhiều ngân hàng chuyển đổi số Top đầu ở Việt Nam đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt xa mục tiêu đặt ra là 70% vào năm 2025.
Thanh toán số đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam.
Còn theo Mastercard – công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới thì kinh tế số và thanh toán số sẽ định hình tương lai của Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ thanh toán số ở Việt Nam đang rất cao.
Chỉ số Thanh toán mới của Mastercard năm 2022 cho thấy, có đến 94% người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán số trong năm vừa qua. Đây là thành quả của những nỗ lực thúc đẩy thanh toán số của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, Mastercard cũng đã bắt tay với Tập đoàn Hoa Lâm để triển khai dự án đổi mới công nghệ thanh toán. Theo đó, Vidiva – công ty công nghệ tài chính (Fintech) thuộc Tập đoàn Hoa Lâm sẽ được tiếp cận nguồn vốn và cơ sở hạ tầng công nghệ của Mastercard để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử như thanh toán qua tài khoản và chấp nhận thanh toán Vòng lặp mở (Open-Ioop) trên hệ thống giao thông công cộng tại Tp.HCM. Thời gian này, Vidiva đang phát triển 2 sản phẩm là ví điện tử Ting và cổng thanh toán Paykit.
Nhiều công ty Fintech đang "chạy đua" ráo riết trong việc phát triển thanh toán số tại Việt Nam.
Bà Dương Mai Anh, Chủ tịch Hoa Lâm Group cho biết, với những kinh nghiệm và hiểu biết về thị trường địa phương của Hoa Lâm cộng với sức mạnh về công nghệ toàn cầu của Mastercard thì sự hợp tác này sẽ mở ra một hành trình mới. Đơn vị này đang nỗ lực cùng đối tác để mang đến cho người Việt những giải pháp số hàng đầu và tiện lợi cũng như đóng góp vào công cuộc chuyển đổi nền kinh tế số tại Việt Nam.
Ngoài Tập đoàn Hoa Lâm thì những cái tên nổi bật hàng đầu trên thị trường thanh toán số hiện nay phải kể đến đó là Vietcombank, MBbank, Sacombank, OCB, MoMo, VNPAY, Payoo, Viettel, VNPT, Mobifone...
Ông Safdar Khan, Chủ tịch Khu vực Đông Nam Á của Mastercard nhận định, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang tiếp cận rất mạnh mẽ với các phương thức thanh toán hiện đại, nhanh chóng. Việc cung cấp các giải pháp thanh toán kỹ thuật số đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là với những quốc gia phát triển nhanh và năng động như Việt Nam.
Ông Safdar Khan nhận định, đại dịch đã thúc đẩy xu hướng thanh toán số trên toàn thế giới. Xu hướng này đã đưa Việt Nam (một trong những quốc gia phụ thuộc vào tiền mặt nhiều nhất tại Đông Nam Á) trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về thanh toán không tiền mặt trong khu vực với tỷ lệ thanh toán không tiền mặt đạt 95% vào năm 2021.
“Thị trường thanh toán kỹ thuật số đang phát triển bùng nổ, đây cũng là lý do mà nhiều công ty công nghệ tài chính đang “chạy đua” trong việc đổi mới, giải quyết được mọi vấn đề thanh toán nhằm để hướng đến một tương lai không sử dụng tiền mặt”, ông Safdar Khan nói.
Có thể thấy rằng, trong vài năm trở lại đây, cuộc đua thanh toán số đang diễn ra rất “nóng”, hàng loạt tổ chức tài chính, các công ty công nghệ đã tham gia vào cuộc đua này. Ngân hàng số, ví điện tử, Mobile Money đang ở một cuộc đua "tam mã" và dành thị phần thanh toán tiêu dùng số tại Việt Nam. Mỗi nền tảng đều có một cách chinh phục tệp khách hàng riêng của mình.
Quang Vinh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/thanh-toan-so-phat-trien-bung-no-tai-viet-nam-a1296.html