Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản là một xu thế lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nhận thức được vị thế chiến lược, lợi thế cạnh tranh của ngành cà phê với phát triển kinh tế xã hội, cũng như nhu cầu cấp thiết bảo hộ tài sản trí tuệ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đứng tên đăng bạ chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” để bảo hộ trong nước và tiến tới bảo hộ quốc tế.
Theo thống kê, diện tích cà phê của tỉnh Đắk Lắk niên vụ 2020 - 2021 là 209.955 ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đang bị ảnh hưởng rất nặng nề khi sầu riêng chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Được biết, chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” được đăng bạ theo quyết định số 896 QĐ-SHTT ngày 14/10/2005 của Cục Sở hữu trí tuệ. Đăng bạ này có giá trị bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là mốc lịch sử đáng nhớ trong chặng đường phát triển đầy thử thách của ngành cà phê Đắk Lắk.
Vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột được xác định nằm trong các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Buk, Thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pắk, TP Buôn Ma Thuột. Với điều kiện tự nhiên lý tưởng của nền đất bazan, không chỉ đạt sản lượng cao vào bậc nhất thế giới mà còn kết tinh trong hạt cà phê phẩm vị thơm ngon đặc biệt. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm địa phương, đặc biệt cà phê có chỉ dẫn địa lý là một trong những xu hướng phát triển quan trọng.
Ồ ạt phá cà phê trồng sầu riêng có thể làm 'chết' chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa
Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, Đắk Lắk định hướng tập trung phát triển sầu riêng theo hướng nâng cao chất lượng thay vì mở rộng diện tích. Do đó, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không chạy theo giá cả mà mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này.
Khi nông dân tự tăng diện tích sầu riêng và hầu như thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ, nên dễ dẫn đến cung vượt cầu. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng nên người dân tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng. Tỉnh cũng xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.
“Tỉnh đang tập trung xây dựng đề án phát triển ngành hàng sầu riêng và bơ là những cây trồng có tiềm năng thế mạnh. Nội dung đề án xác định rõ các khu vực, các vùng các điều kiện phù hợp để phát triển sầu riêng trong thời gian tới. Kèm theo đó là các nhiệm vụ giải pháp các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, người trồng cần tuân thủ thì mới đảm bảo được các điều kiện để có thể cạnh tranh, có thể đưa ra thị trường”, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm.
Việc phát triển các cây trồng lâu năm theo hướng xuất khẩu là bước đi đúng đắn trong việc phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, không nên vì cái mới, gây ảnh hưởng đến những giá trị lâu năm vốn có. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan ban ngành của tỉnh Đắk Lắk cần có chiến lược khai thác hợp lý lâu dài, khuếch trương danh tiếng địa phương, cũng như góp phần tạo dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thế giới.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/dak-lak-khuyen-cao-nguoi-dan-can-trong-khi-mo-rong-dien-tich-sau-rieng-a1467.html