Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở miền Nam Việt Nam”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng đã tồn tại từ trước, bao gồm các vấn đề về giới ở Việt Nam. Việc phụ nữ bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập và bị tăng gánh nặng chăm sóc không lương cho thấy sự bất bình đẳng về vai trò giới cũng như sự gia tăng phụ thuộc về kinh tế và tính dễ bị tổn thương của phụ nữ”.
“Áp lực kinh tế gia đình, sự bất ổn liên quan đến thiên tai và sự hạn chế trong việc tiếp cận hay trang bị kiến thức về các dịch vụ hỗ trợ có thể làm gia tăng nguy cơ bạo lực với phụ nữ và trẻ em”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Điều tra quốc gia thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ ba phụ nữ thì có hai người (62,9%) từng kết hôn đã từng bị chồng bạo hành trong đời. Khoảng một nửa (49.6%) phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ từng bị bạo lực nhưng chưa từng nói với ai, và 90,4% trong số đó không tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam phát biểu tại chương trình “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở miền Nam Việt Nam”.
Do Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã giảm 8% trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến 2021, cụ thể là giảm từ 70,9% xuống còn 62,3%. Covid-19 đã góp phần làm giảm thời gian làm việc của phụ nữ cũng như số lượng công việc trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Một đánh giá nhanh thực hiện bởi UNICEF, UNFPA và UN Women với sự hỗ trợ của DFAT vào năm 2021 cho thấy phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực cao hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Báo cáo cho thấy tại Việt Nam, nhiều hơn một trong ba phụ nữ đã phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đại dịch với sự gia tăng về số lượng phụ nữ cho biết đã chịu các hành vi kiểm soát và bạo lực kinh tế.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết: “Dự án giải quyết các vấn đề liên tầng của phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực và phụ nữ có thu nhập không ổn định. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ khả năng chống chịu của phụ nữ, thu nhập của họ và khả năng tiếp cận được những hỗ trợ để đảm bảo an toàn và thịnh vượng. Chúng tôi hy vọng cách tiếp cận toàn diện này sẽ hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch và những bài học từ dự án này sẽ được sử dụng trong những chương trình ứng phó khẩn cấp và phục hồi trong tương lai”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam; bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm với các đại biểu tham dự chương trình “Ứng phó khẩn cấp và hỗ trợ phục hồi cho phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Covid-19 lần thứ tư ở miền Nam Việt Nam”.
Thông qua các hoạt động truyền thông, dự án mới sẽ trang bị cho những người hưởng lợi các kiến thức và kỹ năng sống để đối phó với bạo lực trên cơ sở giới và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ sẵn có. Các can thiệp của dự án cũng được thiết kế nhằm nâng cao năng lực cho hơn 2000 nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ để có thể đáp ứng hiệu quả 24/7 các nhu cầu của phụ nữ theo hướng tổng hợp, dựa trên hướng dẫn của gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực của Liên hợp quốc.
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, làm mất kế sinh nhai, mất việc làm, không có thu nhập, trẻ mồ côi. Mặc dù Thành phố đã có nhiều cố gắng, vẫn cần có thêm nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đặc biệt là hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị thiệt hại, nhằm phấn đấu để không ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, càng cần nhiều nguồn lực như các chương trình và dự án hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em phục hồi sau dịch Covd-19”.
Minh Hà
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/ho-tro-phuc-hoi-cho-phu-nu-co-nguy-co-bi-bao-luc-tai-tp-ho-chi-minh-va-tien-giang-a150.html