Cụ thể, tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa XVI (ngày 9/12/2022), đại biểu HĐND thành phố đã biểu quyết nhất trí thông qua 35 nghị quyết, trong đó có nghị quyết: Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND ngày 13/12/2016 của HĐND thành phố quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là phí hạ tầng cảng biển) Hải Phòng.
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị quyết do UBND TP.Hải Phòng trình, quy định mức thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hoá nhập khẩu, hàng hoá xuất khẩu khi vào cảng và rời cảng biển Hải Phòng bằng phương tiện thuỷ nội địa trên các tuyến đường thuỷ trên địa bàn TP. Hải Phòng giảm 50% so với mức hiện nay.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2023 và giao UBND thành phố chỉ đạo các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghị quyết.
Cảng biển Hải Phòng. (Ảnh: Nguyễn Hồng Phong)
Doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị không thu phí hạ tầng cảng biển nội địa
Hiện toàn quốc có 2 địa phương thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và quá cảnh qua cảng biển đó là TP.Hải Phòng và TP.HCM.
Trước đó thì nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) đã kiến nghị về việc thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa, vì hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.
Các hiệp hội này cho rằng, việc thu phí là đúng thẩm quyền của HĐND TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh nhưng gây ra nhiều hệ quả. Theo đó, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia. Không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Các hiệp hội đại diện cho cộng đồng DN vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến 2 TP trên, đồng thời gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy góp phần giảm tải cho đường bộ vốn đang quá tải, ùn tắc. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Các Bộ, ban, ngành chỉ đạo
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị HĐND và UBND TP.Hải Phòng, TP.HCM xem xét kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp về việc miễn, giảm phí hạ tầng cảng biển đối với hàng quá cảnh, chuyển khẩu vận chuyển bằng đường thủy nội địa.
Bộ Tài chính đã cũng đã có công văn số 2681/BTC-CST ngày 17/3/2021 và công văn số 6665/BTC-CST ngày 21/6/2021 gửi UBND TP Hồ Chí Minh. Trong 2 công văn này, Bộ Tài chính nêu: "Việc quy định mức phí chênh lệch giữa hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh và mở tờ khai tại các địa phương khác gây bất bình đẳng, có sự phân biệt đối xử. Đề nghị UBND nghiên cứu, báo cáo HĐND TP điều chỉnh Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND để tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo đúng quy định.
Hồi tháng 6/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản trình UBND TP về đề xuất giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa. Giải pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, góp phần giảm tải cho đường bộ vốn đang quá tải, ùn tắc.
Đức Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/lang-nghe-doanh-nghiep-hai-phong-giam-phi-ha-tang-cang-bien-tu-01012023-a1526.html