Nghệ An: Xanh lại những cánh đồng hoang hoá

Những năm 2020 trở về trước, toàn thị xã Cửa Lò có khoảng 33ha đất bỏ hoang, tập trung ở các phường Nghi Hoà, Nghi Hương… Sau 2 năm vận động nhân dân bám ruộng, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, những cánh đồng hoang hoá, cỏ dại và lau lách cao quá đầu người nay đã trở thành những trang trại trù phú, những cánh đồng ngô, đồng dưa cho thu nhập cao.

Gieo mầm xanh trên đất hoang

Đi ngang qua cánh đồng Da ở khối 2, phường Nghi Hoà (Thị xã Cửa Lò) tôi không khỏi ngạc nhiên bởi màu xanh trù phú của cây trái, những hồ sen ngát hương và những vườn hoa trong nhà kính khoe sắc nằm đan xen giữa những tiểu cảnh được dựng bằng tre khá bắt mắt. Mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch canh nông đang thành hình trên những mảnh ruộng bỏ hoang hoá, lau lác mọc cao quá đầu người bấy lâu nay…

Anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Phú Thịnh cho biết: “Nhiều lần qua lại trên tuyến đường này, thấy ruộng bỏ hoang, toàn cỏ dại, cỏ lau, sình lầy. Đây là tuyến đường chiến lược nối Vinh - Cửa Lò, ở một thị xã du lịch mà để đất hoang thì phí quá. Ngay sau khi thị xã có chủ trương kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, mấy anh em chúng tôi đã mạnh dạn thuê lại 3,2ha đất hoang ở cánh đồng Da”.

dua-le-1674436138-1674440426.jpeg

Nông dân Nghi Hòa có thu nhập ổn định trên chính mảnh đất của mình cho thuê.

Ròng rã một năm trời, đổ vào đây tiền tỷ để cải tạo đất, qua bàn tay lao động, vì tâm huyết của những người muốn làm giàu từ nông nghiệp đã cho ra đời mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch canh nông trên đồng đất hoang hoá này. Một trang trại trù phú với dưa lưới, dưa hấu ruột vàng, dưa chuột Nhật, nho hạ đen cùng sắc hoa cẩm tú cầu, hoa hướng dương, những hồ sen hồng, sen trắng đã thay thế cho đầm lầy.

Anh Sơn tâm sự: “Xác định được lợi thế của cánh đồng này bám sát trục đường 72m Vinh - Cửa Lò nên chúng tôi đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp kết hợp du lịch canh nông. Ngoài diện tích nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, còn theo đuổi sản xuất sạch theo hướng hữu cơ. Mùa nào thức nấy, chúng tôi bố trí sản xuất dưa lưới, dưa chuột, ngô ngọt, nho, các loại rau ăn lá cùng các loại hoa như hướng dương, cẩm tú cầu, hoa sen… Những loại cây này vừa thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây vừa dễ tiêu thụ. Riêng vụ đầu tiên năm 2022, đã thu về 700 triệu đồng từ bán các loại nông sản. Dự kiến, sau khi hoàn thành các hạng mục, thu hút được khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm thì mỗi năm, doanh thu từ 1,5-2 tỷ là trong tầm tay”.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, biến đất hoang thành trang trại bạc tỷ mà còn tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo thêm điểm nhấn, điểm đến cho thị xã du lịch biển. Đồng thời, tạo việc làm cho người dân địa phương với mức thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Thị Trường, nông dân khối 2, Nghi Hoà phấn khởi cho hay: “Trong 3,2 ha trang trại của HTX Phú Thịnh hiện nay gia đình tôi có 1,5 sào đất cho thuê. Trước, trên diện tích này, trồng đủ thứ lúa, ngô, khoai nhưng không ăn thua nên bỏ hoang 4-5 năm nay. Sau khi góp đất cho HTX thuê, gia đình đã nhận được tiền thuê đất 15 năm, tôi được nhận vào làm công cho HTX với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ tôi mà 5 người dân trong khối được HTX thuê làm công, được trả lương ổn định, có ngày nghỉ, có chế độ phúc lợi nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Triển khai nhiều giải pháp khắc phục ruộng bỏ hoang

Không riêng Nghi Hoà mà tình trạng bỏ hoang ruộng còn diễn ra ở Nghi Hương với diện tích đất ruộng bỏ hoang lên đến 33ha. Trước tình trạng đó, UBND Thị xã Cửa Lò đã có nhiều chính sách vận động nhân dân cải tạo ruộng hoang, đồng thời thu hút các doanh nghiệp, các HTX nhận thầu khoán diện tích ruộng hoang hoá để sản xuất.

Theo đó, đối với phần lớn diện tích, thị xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Nếu như trước đây chỉ cấy lúa, trồng vừng thì nay trồng ngô nếp, ngô lấy hạt, các loại dưa, rau màu… có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đối với những hộ không có khả năng sản xuất (do thiếu lao động, không có nhu cầu) thì đồng thuận cho mượn ruộng, trên cơ sở đó, Thị xã chọn các hộ có lao động, tâm huyết với nghề nông để vận động, giao khoán đất hoang và hỗ trợ kinh phí cải tạo đất, hỗ trợ giống, phân bón và khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, ưu tiên lồng ghép chương trình khuyến nông, các dự án khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất trên đất ruộng bỏ hoang. Nhờ đó, năm 2021, 2022 hàng chục ha đất hoang hoá ở Nghi Hương, Nghi Hoà được bà con chuyển sang trồng ngô lấy hạt, phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường. Theo ước tính, mỗi ha ngô, người dân đầu tư hết khoảng 20 triệu chi phí đầu vào, thu được 70 tạ ngô hạt, với giá bán 8.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 40 triệu đồng/ha.

Mặt khác, các tổ chức, đoàn thể vào cuộc tích cực, vận động những hộ dân có ruộng nhưng không sản xuất gom, tích tụ ruộng cho doanh nghiệp thuê đất; phía chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi từ hồ sơ, thủ tục đến hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong sản xuất. Theo đó, 2 năm qua, thị xã đã thu hút được HTX Phú Thịnh thuê 3,2ha đất làm trang trại tổng hợp kết hợp du lịch canh nông; Doanh nghiệp tư nhân Thu Lữ thuê 1ha; cho 1 hộ cá nhân thuê 0,7ha để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó phòng Kinh tế, UBND Thị xã Cửa Lò cho biết: “Trước năm 2020, toàn thị xã có khoảng 33ha đất ruộng bỏ hoang. Chủ yếu tập trung ở 2 phường Nghi Hương và Nghi Hoà. Với sự nỗ lực từ chính quyền thị xã, các phường và sự đồng hành của các HTX, Doanh nghiệp, đến nay, cơ bản đã giải quyết xong tình trạng đất bỏ hoang. Trong đó, một số diện tích bà con chuyển sang trồng ngô hàng hoá, dưa, rau màu theo hình thức liên kết; người dân tích tụ ruộng đất rồi cho doanh nghiệp, HTX thuê đất sản xuất. Đến nay, toàn thị xã chỉ còn khoảng 3ha đất hoang, dự kiến trong năm 2022, sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng bỏ ruộng hoang trên địa bàn”.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/nghe-an-xanh-lai-nhung-canh-dong-hoang-hoa-a1833.html