Nông dân xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) vệ sinh đồng ruộng phục vụ sản xuất lúa vụ xuân
Để bảo đảm kế hoạch sản xuất, huyện bố trí linh hoạt diện tích gieo cấy phù hợp; thời vụ gieo cấy phải bảo đảm lúa phân hóa đòng và trỗ bông gặp điều kiện thời tiết thuận lợi (trỗ trước ngày 20/5). Mỗi xã, thị trấn lựa chọn từ 3 đến 4 giống lúa chủ lực từ các giống như: Nếp thơm Hưng Yên, VNR10, VNR20, Tiền Hải 1, TBR225, ĐH12, Hana số 7, ADI168, Đài Thơm 8... để chỉ đạo gieo cấy. Ngoài ra, các địa phương có thể mở rộng diện tích gieo cấy một số giống lúa triển vọng như: Hạt ngọc 9, HD11, Hana số 7, BQ, N91… và một số giống lúa sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Ngọc thơm, Japonica… Thay giống lúa Bắc thơm số 7 bằng các giống như nếp thơm Hưng Yên, Đài thơm 8, BT09, Tiền Hải 1.
Huyện khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 140 ngày), đối với các chân ruộng trũng, có thể sử dụng phương pháp gieo mạ dày xúc và sử dụng các giống lúa như: Hà Phát 3, ADI 168, VNR20, ĐH 12… Các địa phương cần tổ chức gieo cấy gọn vùng, gọn thửa và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống lúa. Chuẩn bị cho sản xuất lúa xuân đạt mục tiêu, kế hoạch, ngoài hỗ trợ của tỉnh, vụ này, huyện có kế hoạch hỗ trợ 80,4 triệu đồng để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, xây dựng các mô hình gieo mạ khay, cấy máy, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho nông dân.
Bên cạnh đó, huyện khuyến cáo nông dân cần lưu ý các kỹ thuật về gieo cấy như: Đối với gieo mạ nền cứng, khi gieo mạ, phải bảo đảm đủ diện tích nền để cấy cho 1 sào từ 3m2 trở lên. Chăm sóc, che phủ bằng các vật liệu thân thiện với môi trường cho toàn bộ diện tích mạ để tránh rét và ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh gây hại, đặc biệt là đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng... Do diễn biến thời tiết thất thường nên chỉ gieo thẳng khi thời tiết ấm, gieo trên những chân ruộng chủ động tưới, tiêu nước. Khi có rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C) tuyệt đối không gieo thẳng, phải hãm mạ hoặc chuyển sang gieo mạ trên nền cứng để lúa không bị chết rét.
Đồng chí Trần Văn Hạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ cho biết: Đến ngày 10/1/2023, huyện đã hoàn thành nạo vét thủy lợi nội đồng hơn 80% kế hoạch, sẵn sàng lấy nước đổ ải theo kế hoạch đợt 2 dự kiến vào ngày 1/2. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, mở rộng diện tích gieo cấy bằng phương pháp mạ khay, máy cấy trên các chân ruộng chủ động tưới, tiêu để giảm chi phí và công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu đạt năng suất, giá trị cao nhất trên một đơn vị diện tích gieo cấy.
Thời gian qua, huyện tập trung nâng cấp, tu bổ hệ thống công trình thủy lợi từ kênh đầu mối đến mặt ruộng, người dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, góp phần bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất; chủ động dự phòng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày để gieo cấy bù diện tích lúa và mạ bị chết do rét đậm, rét hại. Huyện khuyến cáo nông dân cần chủ động bón lót đủ, bón thúc theo đúng quy trình thâm canh của từng giống, sử dụng phân bón tổng hợp NPK, phân hữu cơ vi sinh, phân vi lượng, bón đủ lượng kali nhất là ở lần bón đón đòng và giống có tiềm năng năng suất cao; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn quy trình gieo mạ nền cứng, gieo thẳng, kỹ thuật chăm sóc lúa, phòng, trừ sâu bệnh; chuyển giao biện pháp canh tác mới trong thâm canh lúa như SRI, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM, hướng dẫn kỹ thuật và định hướng chuyển đổi có hiệu quả cho người dân…
Thời gian qua, nông dân xã Hưng Đạo đã tập trung nhân lực, phương tiện cày ải, nạo vét thủy lợi nội đồng góp phần bảo đảm tưới, tiêu phục vụ sản xuất lúa vụ xuân. Trên các cánh đồng, nông dân đắp bờ, cuốc góc, vệ sinh đồng ruộng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Tam Nông cho biết: Vụ đông vừa qua, gia đình tôi trồng hơn 3 sào bí ngô, đến nay đã thu hoạch xong. Mọi việc từ làm đất, gieo mạ, cấy… đều thực hiện theo lịch thời vụ. Đây cũng đã trở thành thói quen của nông dân trong xã từ nhiều năm nay.
Cùng với việc chuẩn bị tốt về giống, phân bón, làm đất, nguồn nước tưới… căn cứ theo kế hoạch sản xuất, huyện tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân; tổ chức triển khai xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất lúa, mô hình sản xuất lớn tập trung có liên kết; tích cực, kịp thời cung cấp thông tin, kỹ thuật cần thiết về cơ cấu giống, lịch thời vụ gieo cấy, quy trình thâm canh theo đúng kế hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác trên địa bàn để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại trong sản xuất./.
Quang Vinh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/hung-yen-tien-lu-san-sang-san-xuat-lua-vu-xuan-a1871.html