Kỳ vọng này dựa trên dự báo tổng cầu dệt may thế giới phục hồi trong nửa cuối năm. Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, ngành này đang phải hướng đến xây dựng cung ứng trọn gói, nâng cấp vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, tăng cường sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cho biết: "Năm 2023 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các tín hiệu kinh tế thế giới trong quý 1 này. Tuy nhiên, hiện nay cầu thấp có yếu tố của tâm lý tiêu dùng rất nhiều. Vì thế, chúng tôi vẫn rất hy vọng là kinh tế quay trở lại khá nhanh vì đây là cầu tâm lý".
Ảnh minh hoạ.
Một yếu tố quan trọng làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động cung ứng nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước. Hiện, ngành dệt may đã chủ động từ khoảng 50% nguồn cung nguyên phụ liệu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin: "Các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mạnh vào phần công thiếu hụt nên tỷ trọng thâm hụt của ngành dệt may sẽ giảm so với mục tiêu chúng ta đặt ra".
Năm 2023, dự báo, kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Trong bối cảnh đó, bài học từ năm 2022 đã buộc doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi và đặc biệt đa dạng hóa thị trường.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035". Mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành Dệt may và Da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giày hàng đầu thế giới.
Quang Vinh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/nam-2023-nganh-det-may-dat-muc-tieu-xuat-khau-48-ty-usd-a1878.html