Bảo vệ môi trường là nền tảng phát triển kinh tế bền vững

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Chính vì sự quan trọng đó vấn đề sống còn của toàn nhân loại, nên cần bảo vệ môi trường để duy trì sự sống…

mt1-1675641372-1675651214.jpeg

Mọi đoàn thể, mọi tổ chức và từng người dân chung tay bảo vệ môi trường

Vì sao an ninh môi trường quan trọng đối với sự phát triển bền vững? Kiểm soát ô nhiễm môi trường gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội thông điệp bảo vệ môi trường từ lộ trình và chính sách mới. Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đang đứng trước thách thức to lớn. Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đã và đang tạo sự lan toả, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương.

Bên cạnh việc quy định vai trò cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần luật hóa và quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay. Phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường. Đó là mục tiêu trước mắt và lâu dài.

Cuối tháng 11/2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, gồm 16 chương, 171 Điều. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư…

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như: vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; virus độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

Định hướng của Đảng và nhà nước ta về bảo vệ môi trường

Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH đã được ban hành xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Nghị quyết Đại hội XIII xác định quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH, thiên tai khắc nghiệt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững.

mt2-1675641470-1675651257.jpeg

Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. (Ảnh: Internet)

Kể từ khi đổi mới, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại đồng thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo vệ môi trường.

Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quan điểm, chủ trương, giải pháp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, nhận thức và triển khai thực hiện vẫn còn những bất cập. Một số khái niệm, vấn đề mới như tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII còn chưa được nhận thức đầy đủ và rộng rãi. Một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa đánh giá đúng tầm mức tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành hướng dẫn tuyên truyền bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững đất nước. Thông qua tuyên truyền phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng như các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Nâng cao năng lực chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Các nhiệm vụ Chiến lược đề ra:

- Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; - Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; - Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; - Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, trước hết cần đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Nghị quyết Đại hội XIII quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”./.

Đức Minh

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/bao-ve-moi-truong-la-nen-tang-phat-trien-kinh-te-ben-vung-a1960.html