Dự Hội nghị có các đồng chí: Phạm Thái Hanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị và thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố.
Theo báo cáo, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2022, Cuộc vận động đã đạt được kết quả tích cực trên các mặt. Ban Chỉ đạo đã đặt nhiệm vụ chính trị là trọng tâm để triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên đối với việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động; gắn thực hiện Cuộc vận động với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện Cuộc vận động; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức thông tin, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Năm 2023, Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai các văn bản của Trung ương về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; nêu cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trong việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động; sử dụng hàng hoá nội địa khi xây dựng, sửa chữa, mua sắm công; đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách Nhà nước khi mua sắm, sửa chữa, xây dựng cơ bản theo hướng hạn chế dùng hàng ngoại.
Tăng cường công tác quản lý thị trường, công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hoá Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các loại sản phẩm, hàng hoá liên quan trực tiếp đến đời sống con người; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của hàng hoá trong nước và của tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả của Ban Chỉ đạo tỉnh và các huyện, thành phố đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Thông qua triển khai thực hiện Cuộc vận động, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân đã có sự chuyển biến rõ rệt, người dân đã tích cực hưởng ứng tham gia Cuộc vận động, sức tiêu thụ hàng Việt ở các chợ, siêu thị có chiều hướng gia tăng, tâm lý tiêu dùng hàng nội dần trở thành thói quen của người dân.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh năm 2023 hoạt động hiệu quả, đồng chí Phạm Hoàng Sơn đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh và các huyện, thành phố chú trọng quan tâm tập trung một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.
Các tổ chức, đoàn thể lồng ghép có hiệu quả nội dung thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; có các giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương với các hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt 173 sản phẩm đạt OCOP của tỉnh Thái Nguyên đến du khách trong và ngoài nước; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý chế biến và tiêu thụ hàng hóa./.
Tuệ Nhi