Làm thế nào để chấm dứt nạn “được mùa mất giá”

Vì sao “được mùa mất giá” vẫn là điệp khúc buồn mỗi khi vào vụ thu hoạch? “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn là vấn đề “nóng” từ nghị trường Quốc hội đến các diễn đàn phát triển nông nghiệp!

1-1-9772-1654495540-1654501828.jpeg
 

Ảnh minh họa

Đã đến lúc phải có một hệ thống giải pháp căn cơ, giải quyết triệt để vấn nạn sản xuất tự phát, chạy theo “phong trào”; sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường và chuỗi giá trị ngành hàng… không để kéo dài tình trạng “được mùa mất giá”.

Vận hành trong nền kinh tế thị trường của thời đại hội nhập với những biến động khó lường và sự cạnh tranh gay gắt, nhưng dường như người nông dân Việt Nam vẫn chưa trả lời được câu hỏi sản xuất cái gì, bán đi đâu, bán cho ai? Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay với các chính sách hỗ trợ, mở rộng thị trường. Còn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thì chưa đủ “lớn” để đảm nhận vai trò dẫn dắt sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Mặt khác, những “căn bệnh” cố hữu còn chậm được “chữa trị” như: Sản xuất cá thể, manh mún, tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; không chú trọng quy trình kỹ thuật, mẫu mã sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm; thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; chưa tạo được cơ chế liên kết bền vững trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản… Đặc biệt là sự yếu kém về công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch.

Hệ lụy trên kéo theo tình trạng sản xuất theo “phong trào”, không theo tín hiệu thị trường, dẫn đến dư thừa cục bộ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch… Điều đó dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá” vẫn là nỗi âu lo và câu chuyện “giải cứu” vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó, tuy là quốc gia nông nghiệp, nhưng Việt Nam không có nhiều sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu cao về chất lượng, đủ sức cạnh tranh tại các thị trường cao cấp. Và khi vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường thì đương nhiên phải chấp nhận nhiều rủi ro. Những bất cập trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm đang đè nặng đôi vai người nông dân và tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội.

Để sản xuất được mùa, được giá, trước hết và quan trọng nhất là việc tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Trong đó chú trọng vai trò hỗ trợ của Nhà nước như kiến tạo các cơ chế về quản lý thị trường, chất lượng vật tư, sản phẩm nông nghiệp; quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; tạo môi trường pháp lý bảo vệ sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất, thương mại.

Cùng với đó là triển khai đồng bộ giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm theo “dây chuyền” giá trị thương mại như nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình sản xuất, chế biến…; kết nối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, kiểm định, tiêu thụ sản phẩm…

Đồng thời, tạo cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp bảo quản chế biến nông sản; thúc đẩy chuyển giao quy trình kỹ thuật công nghệ mới…, qua đó nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt các chuỗi liên kết giá trị, tăng cường năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các cơ chế hợp đồng trách nhiệm để hạn chế tình trạng vi phạm hợp đồng…

Giải quyết cơ bản các vấn đề nêu trên mới sớm chấm dứt nạn “được mùa mất giá”, nông nghiệp nước nhà sẽ không còn canh cánh nỗi lo “giải cứu nông sản”, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và người nông dân hoàn toàn có thể làm giàu trên mảnh đất của mình./.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/lam-the-nao-de-cham-dut-nan-duoc-mua-mat-gia-a204.html