Phú Yên đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Phú Yên là tỉnh có diện tích đồng bằng lớn với diện tích đất đai màu mỡ và khí hậu 2 mùa rõ rệt, có hệ thống sông suối dày đặc, nguồn nước tương đối dồi dào đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo nói riêng.

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, chỉ tiêu đến năm 2025, giữ ổn định 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước, diện tích gieo trồng khoảng 50.000 ha, sản lượng lúa 360.000 tấn.

Đồng thời, đến năm 2025, tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 80%, sử dụng giống chất lượng cao trên 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 10%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 5%; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 70%; tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất, tiêu thụ đạt trên 35%; lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%; giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa khoảng 5%.

Chỉ tiêu đến năm 2030, giữ ổn định 24.000 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước, diện tích gieo trồng khoảng 46.000 ha, sản lượng lúa 340.000 tấn. Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận đạt 100%, sử dụng giống chất lượng cao 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, quy trình thực hành sản xuất tốt trên 50%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%..

lua-1676977069-1677034561.jpeg

UBND tỉnh Phú Yên vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. (Ảnh: Thiên nhiên và Môi trường)

Ghi nhận cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều công trình thủy lợi như: Hệ thống thủy nông Đồng Cam, hệ thống thủy lợi Tam Giang, 51 hồ chứa, 1.156 km kênh mương và nhiều trạm bơm, đập dâng các  loại đã cơ bản cung cấp đủ nước sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày, trong đó đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất 54.800 ha lúa/năm. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh đang tồn tại những hạn chế nhất định đã đặt ra nhưng thách thức đối với việc phát triển ngành hàng lúa gạo của tỉnh trong bối cảnh hội nhập với thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế.

Do đó, tỉnh Phú Yên triển khai tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực; nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng. 

Thời gian tới, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh rà soát diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại các địa phương, đẩy mạnh chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Quy hoạch, tập trung đầu tư, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh lúa theo các quy trình sản xuất tiên tiến, quy mô lớn, tạo ra sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng đồng đều, ổn định, là cơ sở để xây dựng thương hiệu lúa gạo của tỉnh. 

Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất lúa gạo tập trung tạo thành vùng nguyên liệu hàng hóa lớn. Xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, sản xuất lúa an toàn, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh thay thế dần phân hóa học. Nghiên cứu, chuyển giao và hỗ trợ đưa các công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin, công nghệ số,...từng bước ứng dụng vào quá trình sản xuất lúa nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa. Xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo điển hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao từ sản xuất đến sau thu hoạch và chế biến.

Nhiệm vụ của Đề án là tập trung thực hiện việc tổ chức lại sản xuất lúa gạo, trong đó rà soát diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả tại các địa phương, đẩy mạnh chuyển sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương; đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, hồ đập đảm bảo cung cấp đủ lượng nước phục vụ sản xuất lúa theo hướng thâm canh, hàng hóa.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến lúa gạo để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm lúa gạo; đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo, xây dựng đội ngũ nông dân “nòng cốt” để thực hiện và nhân rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo; cơ cấu lại cách tổ chức sản xuất của HTX nông nghiệp theo hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh, trong đó tập trung vào các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; chính sách dồn điền, đổi thửa; xây dựng cánh đồng lớn. Cần có một số chính sách về xây dựng thương hiệu, logo cho gạo Tuy Hòa. Hình thành liên kết “6 nhà” để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, tạo các chuỗi liên kết bền vững nhằm nâng cao giá trị của gạo Phú Yên.

Quang Vinh

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/phu-yen-day-manh-tai-co-cau-nganh-hang-lua-gao-den-nam-2025-tam-nhin-den-nam-2030-a2155.html