Trong giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM đặt mục tiêu tăng diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm. Duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Đối với cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 sẽ tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm.
Ảnh minh họa.
Để thực hiện mục tiêu trên, trước hết TP.HCM đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Cùng với đó là tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn…), sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thiết lập và vận hành hệ thống tự kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm tại cơ sở cùng sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của Thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cho các phòng kiểm nghiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phát triển thị trường nông lâm thủy sản, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đức Minh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/tphcm-nang-cao-chat-luong-nong-lam-thuy-san-trong-giai-doan-2021-2030-a2271.html