Xâm nhập mặn tại Việt Nam là vấn đề ngày càng trở nên cấp bách. Gây ra các vấn đề thiếu nước ngọt cung cấp cho người dân sinh hoạt, tưới tiêu và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan và vô tình gây ra những tác nhân khiến xâm nhập mặn tăng tốc độ đáng kể.
Xâm nhập mặn hay còn gọi là đất bị nhiễm mặn với hàm lượng nồng độ muối vượt mức cho phép do nước biển xâm nhập trực tiếp vào đất liền khi xảy ra triều cường, nước biển dâng hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt. Nước biển mang theo lượng muối hòa tan và bị kết cấu của đất giữ lại, tích tụ và gây mặn.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục gia tăng. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản)
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-20/3, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày trời nắng. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm phổ biến 21-24 độ C; nhiệt độ cao nhất trong khoảng 31-34 độ C, riêng miền Đông có nơi hơn 35 độ C.
Dự báo, từ ngày 11/3-20/3, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt mức cao nhất vào đầu tuần, sau đó có xu thế giảm dần và tăng lại vào ngày cuối tuần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2022.
Chiều sâu ranh mặn 4‰ trong thời kỳ này trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 45 - 55km; Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 35 - 45km; Sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên: 45 - 55km; Sông Hậu: 30 - 40km và Sông Cái Lớn 30 - 40km.
Các chuyên gia khí tượng cho hay, xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long tập trung trong tháng 3 (từ ngày 18/3 đến 25/3); tại các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4 (từ ngày 18/3 đến 25/3 và từ 17/4-23/4).
Được biết, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Theo đó, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Tình trạng thiếu nước ngọt là một trong những thiệt hại to lớn nhất, người dân không thể sử dụng nước nhiễm mặn để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt như tắm rửa, vệ sinh, giặt giũ do nước muối cho tính ăn mòn cao, gây hư hại hệ thống dẫn nước, vật dụng chứa nước,.. con người tiếp xúc trực tiếp bị nước mặn ăn mòn da tay nghiêm trọng.
Không có nước ngọt, nông dân không thể tươi tiêu các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lương thực,.. dẫn đến hệ quả việc sản xuất nông nghiệp bị trì trệ. Hơn thế nữa đất nhiễm mặn, gây ra tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cây không thích nghi được môi trường mặn xảy ra vấn đề chết hàng loạt. Việc nuôi trồng các giống thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề bởi hiện tượng xâm nhập mặn. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các hộ dân và địa phương.
Minh Hà