Cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục là động lực để đoanh nghiệp tăng trưởng

Với tình trạng nhiều doanh nghiệp đuối sức như hiện tại, nếu không có các giải pháp cấp tốc và đặc biệt thì số lượng doanh nghiệp rời, ngừng kinh doanh còn tiếp tục tăng, đó là tổn thất nặng nền cho nền kinh tế.

Mặc dù, nền kinh tế đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn đối diện nhiều bất lợi, thách thức đáng lo ngại, như chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu giảm sút. Đáng chú ý, số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm rất mạnh, trong khi số rút lui khỏi thị trường tăng cao…

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 42,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 13,1%; 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tại buổi Đối thoại: “Trợ lực để doanh nghiệp Việt vượt khó”, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn chia sẻ, doanh nghiệp đang gặp khó về vay vốn trong bối cảnh giá cả tăng, chi phí sản xuất tăng, mức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn hơn. Nhiều đơn vị khó xác định được đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần đánh giá sát thực tế hơn để nhận diện tình hình, có phản ứng kịp thời".

dn1-1680103312-1680148070.jpg

Cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục là động lực để đoanh nghiệp tăng trưởng. Ảnh minh họa

Trước những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan đã nhìn thẳng vào khó khăn của doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ, nhiều giải pháp trực diện đã ban hành thể hiện được thông điệp Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), có lẽ những giải pháp hiện tại vẫn chưa đủ để giải quyết khó khăn ngày một lớn của doanh nghiệp. “Trong 2 năm vừa qua, tiến trình cải cách thể chế đang chậm lại, và nếu dừng sẽ rất khó khăn để tái khởi động. Cụ thể, trước đây, cải cách thể chế được triển khai một chương trình riêng, nhưng hiện được gộp vào Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tôi thấy rất tiếc vì càng khó khăn thì càng phải đẩy mạnh cải cách thể chế để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp”, TS. Cung chia sẻ.

Dự báo khó khăn của nền kinh tế còn tiếp tục kéo dài đến năm sau, theo TS Cung, cần tạo ra một bước ngoặt trong cải cách môi trường kinh doanh. 

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những hỗ trợ về thuế, phí đã giúp doanh nghiệp ngay lập tức có nguồn lực để phục hồi. Hơn nữa, hỗ trợ về thuế, phí cũng rất công bằng và hiệu quả với những doanh nghiệp thực sự làm ăn kinh doanh bài bản, minh bạch tài chính. Do đó, vị này cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo tính khả thi, giảm bớt các điều kiện để giúp doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hiệu quả.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, nhiều nhà đầu tư châu Âu rất ấn tượng với những cam kết của Việt Nam tại COP26 và cho biết sẵn sàng dành hàng tỷ USD để đầu tư cho các dự án xanh ở Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam cần cải có chính sách cởi mở để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư. “Cần giải quyết những điểm nghẽn trong chính sách để đón lõng ở thị trường trong nước, nếu không, Việt Nam có thể sẽ để lỡ cơ hội sang các nước lân cận” ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.

Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh, để phát triển các doanh nghiệp cần có sự hợp lực, liên kết, tập trung nguồn lực và phải cùng chung “ngôn ngữ”, cùng chung chí hướng, doanh nghiệp cần đưa ra những chuẩn mực hợp tác liên doanh liên kết cùng nhau phát triển.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần giải quyết tốt nhu cầu vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh kết hợp với triển khai chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ mới, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Đó là những giải pháp căn cơ tạo tiền đề cho sản xuất xanh để từ đó tiết kiệm chi phí đầu vào và phát triển bền vững./.

Trang Thảo

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-tiep-tuc-la-dong-luc-de-doanh-nghiep-tang-truong-a2444.html