Giống mận tam hoa là cây trồng đặc trưng của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, vào năm 1995, trong một chuyến công tác miền Bắc, Sở Nông nghiêpj và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An nhận thấy giống cây này có những đặc điểm phù hợp với thổ nhưỡng của Kỳ Sơn nên đã mang về trồng thử. Đến khu thu hoạch, nhận thấy năng suất và chất lượng màn tắm hoa rất tốt khi trồng tại xã Mường Lống, địa phương đã đưa giống mận tam hoa vào trồng rộng rãi. Đến nay, mận tam hoa không chỉ có ở xã Mường Lống, mà còn được mở rộng ra các xã xung quanh như: Tây Sơn, Nậm Cắn, Huổi Tụ... Toàn huyện Kỳ Sơn hiện đã có 46 ha cây mận tam hoa, trong đó riêng xã Mường Lống có 23 ha.
Năm nay, năng suất mận tam hoa ở Kỳ Sơn nói chung, xã Mường Lống nói riêng không cao bằng mọi năm do thời kỳ mận ra hoa gặp mưa to, mưa kéo dài nhiều ngày nên số hoa đậu quả giảm sút nghiêm trọng, năng suất dự kiến chỉ đạt được bình quân 4,5 – 5 tấn quả/ha, sản lượng khoảng 180 – 200 tấn/quả.
Theo người dân và chính quyền xã chia sẻ, chất lượng quả mận tam hoa ở đây rất tốt. Đặc biệt, có những khách du lịch Lào Cài khi thưởng thức mận ở đây đều khen ngon, ngọt, giòn hơn so với quả mận ở chính quê hương của họ. Do đặc trưng của khí hậu và thời tiết vùng “Cổng trời” nên quả mận ở đây đảm bảo hoàn toàn sạch, do không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu.
Lãnh đạo xã Mường Lống cho hay, huyện và xã đều xác định mận tam hoa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, cũng là đặc sản của miền Tây xứ Nghệ. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Đặc biệt, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ càng khó khăn hơn, nhiều vườn mận của các hộ dân quả chín không thu hoạch nên đã để rụng đầy vườn vì không có thương lái đến mua.
Năm nay, dù dịch bệnh Covid-19 không còn căng thẳng nhưng vẫn có rất ít thương lái vào tận bản làng để mua mận như trước đây.
Nhằm tìm giải pháp để ổn định đầu ra cho quả mận tam hoa, UBND huyện Kỳ Sơn và UBND các xã Mường Lống đã tìm mọi cách để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nhanh, gọn. Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: quảng bá trên mạng xã hội; thu hút khách du lịch đến tham quan, vừa thưởng thức đặc sản mận tam hoa của địa phương, vừa mua về làm quà và kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mận giúp bà con nông dân vùng cao giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài cần có những giải pháp ổn định như đưa sản phẩm vào các siêu thị, tăng cường quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, tìm cách chế biến ra các sản phẩm từ quả mận vừa để bảo quản được lâu dài, vừa dễ tăng cường đầu ra…
Tại xã Mường Lống hiện nay có diện tích trồng mận tam hoa lên đến 23 ha, sản lượng dự kiến vụ này đạt khoảng 100 – 115 tấn. Thường các mùa trước đây giá bán từ 15.000 – 16.000 đ/kg loại quả to, đẹp. Nhưng năm nay giá bán chỉ ở mức trên dưới 10.000 đ/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Trong thời gian qua, UBND huyện Kỳ Sơn đã tổ chức nhiều Hội thảo, Hội nghị… để tìm giải pháp giúp cây mận tam hoa có đầu ra ổn định, đồng thời nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích trồng cây. Bởi đây không những là đặc sản của địa phương mà còn là giống cây mang lại kinh tế ổn định cho bà con, thậm chí có một số gia đình tại Mường Lống còn khá giả lên nhờ cây mận tam hoa này.
Diệu An
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/ky-son-nghe-an-tim-dau-ra-cho-qua-man-tam-hoa-a249.html