Tại phiên thảo luận đầu tiên của diễn đàn, PGS. Nguyễn Quang Trung - Đại học RMIT đã chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, chuyển đổi số trong khu vực công và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam: “Chính phủ Việt Nam coi chuyển đổi số trong toàn bộ nền kinh tế là rất quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và thịnh vượng.
Việt Nam có một chương trình nghị sự quốc gia về “Cách mạng Công nghiệp 4.0” để cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mới đây, ngày 4/4/2023, Việt Nam đã công bố Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, lĩnh vực kỹ thuật số ở Việt Nam đã tăng trưởng 10%/năm và có thể đạt hơn 200 tỷ USD vào năm 2045, một con số khổng lồ so với quy mô GDP của Việt Nam là gần 352 tỷ USD vào năm 2021”.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất và là thị trường tiềm năng với quy mô dân số lớn, đồng thời chính phủ Việt Nam cũng có những cam kết với các mục tiêu đầy triển vọng”, PGS. Nguyễn Quang Trung chia sẻ.
Diễn đàn công nghệ Australia - Việt Nam 2023 với nhiều phiên thảo luận.
Trong phiên thảo luận thứ 2, ông Bình Phạm - Giám đốc điều hành đối tác BCA đã mang đến thông tin tổng quan về thị trường Fintech và an ninh mạng Việt Nam cũng như việc áp dụng vào thị trường B2B, B2C: “Giá trị thanh toán ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam đã tăng 2,98 lần từ năm 2017 đến năm 2021 do nhu cầu thanh toán thương mại điện tử tăng rất cao. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, việc cách ly và giữ khoảng cách an toàn đã thay đổi hành vi khách hàng. Số lượng người mua hàng trực tuyến đã tăng lên rất nhiều trong hai năm qua, dẫn đến sự bùng nổ trong cả hoạt động thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số”.
Nhiều thông tin về lĩnh vực này đã được chia sẻ sâu hơn trong phiên thảo luận: Giải quyết các thách thức bảo mật thông qua các giải pháp Fintech từ các đại diện doanh nghiệp Australia bao gồm: PI.EXCHANGE, Salt Group, Ingenuous và Senetas.
Trong phiên thảo luận thứ 3 của diễn đàn, ông Phan Thanh Sơn - CBDO, Hệ thống thông tin FPT (Công ty thuộc Tập đoàn FPT) chia sẻ chủ đề: “Cơ sở hạ tầng thông minh tại Việt Nam từ quốc gia đến thành phố” đã cung cấp các thông tin về chiến lược phát triển cấp quốc gia, lộ trình và cơ hội phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.
Diễn đàn công nghệ Australia - Việt Nam 2023 kết nối hơn 70 đại diện đến từ 42 doanh nghiệp Australia và Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ.
Theo một báo cáo gần đây, 41 trong số 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển thành phố thông minh. Gần 40 tỉnh, thành đã và đang triển khai dịch vụ thành phố thông minh; trong đó có 17 tỉnh, thành đã bắt đầu xây dựng hoặc thống nhất xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh. Điều này tạo ra cơ hội lớn để hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế.
Về mặt thương mại, các công ty Australia phát triển và cung cấp các công nghệ hàng đầu thế giới, trong mọi khía cạnh của sự phát triển thành phố thông minh. Theo bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống năm 2017 của Mercer: “Australia có nhiều thành phố nằm trong “Top” các nơi có chất lượng sống tốt nhất trên toàn thế giới như Sydney đứng thứ 10, Melbourne thứ 16 và Perth thứ 22 toàn cầu”.
Bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia phát biểu tại diễn đàn.
Với thực tế đó, tại phiên thảo luận cuối: Thành phố hiện tại, Thành phố tương lai được chủ trì bởi ông Phan Thanh Sơn và các đại diện từ Future Grid, Water Source Australia, OMC International và TMX Global đã mang đến nhiều thông tin hữu ích từ kinh nghiệm triển khai thành phố thông minh thực tế của các doanh nghiệp Australia, trả lời cho các câu hỏi và thách thức mà Việt Nam đang đối mặt trong quá trình thực hiện.
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Chính phủ Australia đối với sự phát triển các thành phố thông minh bền vững tại khu vực Asean, trong đó có Việt Nam, bà Rebecca Ball - Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia cho biết: “Australia đang hợp tác với Asean để xây dựng các thành phố thông minh và bền vững. Một ví dụ điển hình là dự án thí điểm đổi mới Xchange trị giá 5 triệu AUD (đô la Úc) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) nhằm hỗ trợ và mở rộng quy mô các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao, tập trung vào các giải pháp đô thị hóa thông minh tại các thành phố trên toàn Asean”./.
Tuệ Nhi