4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm, thủy sản giảm 13,3%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản trong tháng 4/2023 là 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kì năm ngoái. Giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kì năm 2022.

Theo đó, qua 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm, thủy sản đã giảm 13,3% giá trị, đạt 15,66 tỷ USD. Giá trị xuất siêu nông lâm, thủy sản đạt 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.

Trong tháng 4, ngoài các nhóm hàng nông sản và chăn nuôi tăng, các mặt hàng thủy sản, lâm sản đều giảm. 4 tháng, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái như: cà phê; rau quả; hạt điều; thịt, phụ phẩm; tăng cao nhất là gạo đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%.

Có nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: Cao su đạt 684,8 triệu USD, giảm 20,1%; chè đạt 50 triệu USD, giảm 5,8%; hồ tiêu đạt 325 triệu USD, giảm 10,2%; sắn và sản phẩm sắn đạt 453 triệu USD, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ 3,91 tỉ USD, giảm 30,4%; mây, tre, cói thảm 245 triệu USD, giảm 29,2% và cá tra đạt 558 triệu USD, giảm 39,9%; tôm đạt 843 triệu USD, giảm 39,6%.

3-1683214004-1683255698.jpeg

Ảnh minh họa.

Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm, thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 7,58 tỷ USD, tăng 3%; châu Mỹ đạt 3,28 tỷ USD, giảm 40%; châu Âu đạt 1,9 tỷ USD, giảm 13%; châu Phi đạt 223 triệu USD, giảm 21%; châu Đại Dương đạt 216 triệu USD, giảm 31%.

Hiện, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,9%, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2022; Mỹ chiếm 18,9%, giảm 40,5% và Nhật Bản chiếm 8,1%, tăng 0,8%.

Bộ NN&PTNT nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm ở hầu hết thị trường bởi kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát  cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… còn lớn khiến, nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.

Giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản biển vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới./.

Đức Minh

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/4-thang-dau-nam-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-giam-133-a2705.html