Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà yêu cầu các xã, thị trấn chỉ đạo hộ dân chủ động tưới nước giữ ẩm, đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây. Tiếp tục áp dụng quy trình chăm sóc vải theo VietGAP; tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá giàu kali để giúp quả có màu sắc vỏ đẹp hơn, sáng mã hơn, tăng độ ngọt và chất lượng quả.
Ảnh minh họa.
Cần thường xuyên kiểm tra vườn vải giai đoạn quả đẫy cùi, báo mã, phát hiện sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, sương mai, cháy vỏ quả, bọ xít, rệp sáp… gây hại chủ động phun thuốc phòng trừ kịp thời.
Các hộ dân trong vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu thực hiện đúng theo quy trình, không sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất cấm.
Tuyệt đối không được sử dụng chất kích thích làm cho quả nhanh chín, thực hiện nghiêm túc việc cách ly thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch quả theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ thu hoạch quả vải đúng độ chín, tuyệt đối không thu hoạch quả khi còn xanh, chất lượng kém làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín vải Thanh Hà.
Huyện Thanh Hà (Hải Dương) là địa danh nổi tiếng với sản phẩm vải thiều Thanh Hà hay còn có tên Thanh Hà lệ chi có từ xa xưa. Với vị ngon ngọt đặc trưng, vải thiều nơi đây đã trở thành đặc sản nức tiếng được người tiêu dùng trong nước và thế giới yêu thích.
Giống vải thiều ở Thanh Hà là giống bản địa, được trồng và chọn lọc tự nhiên hàng trăm. Theo các tài liệu còn lưu lại hiện nay, cụ Hoàng Văn Cơm (sinh năm 1848) là người đã trồng cây “vải tổ” có tuổi đời hơn 200 năm tại thôn Thuý Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà. Ngày 16/11/2015 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã có quyết định Xác lập kỷ lục Việt Nam “Cây vải thiều lâu năm nhất (cây vải tổ)” cho cây vải tổ Thúy Lâm. Người dân coi đây là một vật báu, minh chứng cho nguồn gốc lâu đời của giống vải thiều Thanh Hà ngon trứ danh. Mặc dù cây vải tổ đã nhiều tuổi đời nhưng năm nào cũng cho ra quả ngon ngọt và đang thuộc quyền sở hữu của ông Hoàng Văn Thu, (cháu nội cụ Cơm).
Sau này giống vải thiều được nhân giống trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước như huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, hay huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Năm 2007, Vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý.
Minh Hà