Đến nay, tỉnh Bình Phước đã bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số và thông tin tuyên truyền chuyển đổi số trong nông nghiệp cho các cấp, ngành, địa phương, hợp tác xã (HTX), nông dân. Tăng cường truyền thông, mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp; có những quyết sách, chỉ đạo, định hướng, chương trình, dự án hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, thương mại điện tử, chuyển đổi số vào quản trị, sản xuất, kinh doanh...
Theo ghi nhận, chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực trên nhiều lĩnh vực như: cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu (19 mã số cơ sở với diện tích hơn 1.997ha); hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (84 hợp tác xã nông, lâm nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị); ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất (toàn tỉnh có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài, trong đó có 18 HTX đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, RA, Organic); nhiều sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao và hỗ trợ nhiều hộ nông dân đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử...
Thống kê cho thấy, Bình Phước hiện có 226 HTX đang hoạt động, trong đó có 196 HTX nông nghiệp. Đến nay, khoảng 28 HTX đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng không toàn diện, chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Năm 2023, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu tiếp tục triển khai và đẩy mạnh phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 297/KH-UBND của UBND tỉnh về việc đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025.
Được biết, lĩnh vực chăn nuôi và thú y cũng đang tiến hành báo cáo dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tuyến qua Hệ thống VAHIS do Cục Thú y xây dựng; sử dụng các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ, lập bản đồ dịch tễ (Quantum Gis), báo cáo tình hình dịch bệnh động vật (Vahis).
Tiếp đến, trong lĩnh vực lâm nghiệp đang triển khai ứng dụng rất hiệu quả các phần mềm như: Quản lý động vật hoang dã (http://wl.globits.net); theo dõi, cập nhật diễn biến rừng (FORMIS); thống kê ngành lâm nghiệp (http://giamsatdanhgia.com/cms.nc/); theo dõi cháy rừng trực tuyến...
Sản xuất nông nghiệp tại Bình Phước đang bắt đầu thử nghiệm ứng dụng các công nghệ hiện đại như: công nghệ máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân lá từ trên cao với hiệu suất làm việc cao gấp nhiều lần các thiết bị khác và gia tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp.
Bình Phước đã thành lập và đi vào hoạt động 01 HTX dịch vụ nông nghiệp số với mục tiêu lớn nhất là liên kết giữa những nhà sản xuất, nhà kinh doanh để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm của riêng mình, từ đó hình thành mô hình liên kết chuỗi trong việc kết nối, tiêu thụ nông sản. Thông qua chuyển đổi số đã mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp và cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này. Không chỉ vậy, chuyển đổi số nông nghiệp đã giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, nhưng bán ra với giá cao. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng hạn chế khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp ở Bình Phước vẫn còn gặp khó khăn như hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực thực hiện còn thiếu và chưa tương xứng với mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành Nông nghiệp còn hạn chế trong việc tiếp cận các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của ngành. Trong khi đó, tỉnh có địa bàn rộng; nhiều dân tộc, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, trình độ dân trí không đồng đều… nên việc tuyên truyền, triển khai chuyển đổi số trong nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về chuyển đổi số của người dân và HTX, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.
Để tiếp tục tăng cường việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào tổ chức, quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu, công nghệ 4.0 và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khâu và truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường, việc định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ phải được chú trọng.
Xây dựng các chương trình, mô hình sản xuất phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa, khuyến khích người nông dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác. Chú trọng, xây dựng các mô hình áp dụng khoa học công nghệ, áp dụng quy trình tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả thông qua tăng vụ, tăng năng suất…
Diệu An