Lộ trình mới phát triển nông nghiệp Đắk Nông

Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong xu hướng đó, tỉnh Đắk Nông xác định, sẽ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo các quy trình tiên tiến, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

dak-nong-1687483453-1687574458.jpeg

Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp. Ảnh minh họa

Nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Theo đó, tỉnh Đắk Nông sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.

Mục tiêu đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Toàn tỉnh hình thành, phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp.

Đồng thời, xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô và công suất lớn. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, hình thành kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ được địa phương đẩy mạnh. Phấn đấu, đến năm 2050, đưa Đắk Nông trở thành 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn quốc. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ hiện đại vào các loại cây trồng, vật nuôi cao chiếm ít nhất 70% tổng giá trị sản lượng ngành Nông nghiệp. Đắk Nông phát triển thành trung tâm chế biến nông sản chất lượng cao.

Một số tồn tại, hạn chế

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là định hướng quan trọng với Đắk Nông, tuy nhiên, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tính bền vững, năng suất, giá trị các sản phẩm chủ lực chưa cao. Do áp lực dân số tăng nên nhu cầu về sản xuất nông nghiệp cũng như các sản phẩm nông nghiệp cũng gia tăng đáng kể. Trong khi đó, diện tích đất canh tác của tỉnh có xu hướng giảm mạnh do chuyển đổi sang các mục đích phi nông nghiệp; phương thức sản xuất của nông dân phần lớn theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún. Hàng nông sản xuất khẩu tuy có tăng về số lượng và giá trị, nhưng thu nhập của nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa không tăng đáng kể; chất lượng nông sản, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao, sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ... Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó biện pháp tối ưu là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp mặc dù có những chuyển biến tích cực song sức lan tỏa chưa lớn, một số kết quả nghiên cứu chậm áp dụng vào thực tiễn. Hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tập trung, quy mô nhỏ, phân tán; nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ còn thấp, chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.

Giải pháp phát triển

Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, tỉnh Đắk Nông cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành Nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của tỉnh Đắk Nông, bám sát các Nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nhất là Nghị quyết số 19- NQ/ TW, ngày 16/6/2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ưu tiên phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến với Đắk Nông tham gia, đồng hành cùng với tỉnh, cùng với nhân dân để phát triển kinh tế.

Thực hiện cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, bảo đảm các tiêu chí: giàu về kinh tế; mạnh về hệ thống chính trị; xanh, sạch về môi trường, trật tự, an ninh nông thôn; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Bên cạnh đó, tiêu thụ sản phẩm cũng như công nghiệp chế biến và những vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và các hạ tầng khác để phục vụ các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần được bảo đảm.

Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp sát với những lợi thế địa phương để nhà đầu tư có cơ sở nghiên cứu, khảo sát và quyết định thực hiện đầu tư; cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đa giá trị; đồng thời, tỉnh cần tập trung bố trí nguồn lực và đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

dak-nong-1-1687483478-1687574519.jpeg

Hạt tiêu Đăk N’rung là một đặc sản Đắk Nông nổi tiếng gần xa

dak-nong-2-1687483489-1687574519.jpeg

Bơ sáp Đắk Mil - nông sản chất lượng cao của Đắk Nông

Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất, chế biến, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đến tiêu thụ; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, đặc biệt là các liên minh, liên kết trong sản xuất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất; thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân; xây dựng thương hiệu nông sản mới, quảng bá các thương hiệu hiện có ra thị trường nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Sản xuất nông nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm như GlobalGAP, VietGAP,… bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, chủ động hội nhập quốc tế. Mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế để thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào lĩnh vực Nông nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm không ngừng tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm; đồng thời, thông qua hoạt động xúc tiến, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đủ năng lực tài chính và quản trị làm nòng cốt cho việc hình thành liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Tạo điều kiện phát triển các tổ chức xã hội nghề nghiệp của người nông dân làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Xác định khoa học - công nghệ là khâu then chốt để tạo bước đột phá và là điểm nhấn trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút và triển khai các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm, giúp giảm giá thành sản phẩm, tăng giá trị nông sản, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Nâng cao khả năng dự báo thị trường trên cơ sở đó hình thành, phát triển và mở rộng quy mô các trang trại, nhà máy chế biến tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ theo hướng dài hạn.

Quang Vinh

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/lo-trinh-moi-phat-trien-nong-nghiep-dak-nong-a3037.html