Sự phát triển về sản xuất, thương mại nông sản đã góp phần tích cực cho sự phát triển nông nghiệp - nông thôn Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, phương thức sản xuất chuyển biến tích cực, cấu trúc thị trường nông sản được củng cố và từng bước hội nhập sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Một số nông sản chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, như gạo, càphê, hồ tiêu, các loại thủy sản,...
Tuy nhiên, mức lợi nhuận tương xứng với vị thế của ngành cũng như với công sức mà người nông dân bỏ ra. Ví dụ cụ thể, sầu riêng giống Musang King thương hiệu từ Malaysia trồng tại Việt Nam được bán với giá từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Trong khi giống sầu riêng R16 của Việt Nam, chất lượng không hề thua kém, nhưng giá cao nhất chỉ 100.000 đồng/kg, bằng khoảng 1/6 đến 1/8 so với sầu riêng nước bạn. Hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Thực tế đó cũng cho thấy, chúng ta đang phải tổ chức sản xuất, thương mại theo tiêu chuẩn quốc tế, cạnh tranh theo luật chơi của quá trình hội nhập, cần sự thay đổi và thích ứng mạnh mẽ để đứng vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nâng cao chất lượng sẽ giúp nông sản Việt "chinh phục" thị trường quốc tế. Trong ảnh là sản phẩm Vải thiều Việt Nam
được bày bán trên thị trường Nhật Bản.
Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, tại Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững” mới đây, bà Hoàng Lê Trang - Quản lý Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành hàng rau quả, gia vị Việt Nam”, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đặt câu hỏi: “vì sao sản phẩm nông sản việt trên thị trường quốc tế chưa có vị thế tương xứng với tiềm năng?”.
Đơn cử việc xuất khẩu mặt hàng rau quả vào các nước thành viên Liên minh châu Âu, Việt Nam có khả năng canh tác quanh năm với đa dạng các chủng loại rau củ, hoa quả; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt cả về lượng và giá trị sau EVFTA. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2022, Việt Nam vẫn chưa chiếm đến 0,5% dung lượng thị trường lớn nhất thế giới này. Trong khi đây là thị trường lớn nhất thế giới trong việc tiêu thụ rau quả và gia vị Việt Nam. Một ví dụ nữa là có những đại biểu thương mại từ châu Âu không hề biết quá nửa sản phẩm cà phê và hồ tiêu có nguồn gốc từ Việt Nam.
Từ đó, để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam, tận dụng các lợi thế có được từ FTA., theo bà Trang cần quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận: các FTA đem lại nhiều ưu đãi về thuế quan, nhưng rào cản kỹ thuật với nông sản tại một số thị trường lớn như EU, Anh Quốc, Mỹ, Nhật Bản, v.v. vẫn rất khắt khe, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ghi nhãn bao bì. Việc quản lý chất lượng một cách nhất quán, chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn được quốc tế công nhận không chỉ giúp nông sản Việt đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của quốc gia nhập khẩu, mà còn là phương tiện để chinh phục khách hàng tại các thị trường này.
Thứ hai là, các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các thực hành sản xuất bền vững và kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp. Bởi hiện nay, các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cách thức doanh nghiệp ứng xử với môi trường, với người lao động.... trong quá trình tạo ra sản phẩm. Việc áp dụng các thực hành sản xuất bền vững, kinh doanh có trách nhiệm một mặt giúp gia tăng giá trị sản phẩm và cơ hội xuất khẩu nông sản, mặt khác giúp định hình các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Một số thực hành bền vững mà các nhà sản xuất nông nghiệp đang thực hiện, được quốc tế công nhận rộng rãi như: chứng chỉ MSC, ASC cho thủy sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC cho các sản phẩm mây tre; chứng chỉ thương mại công bằng FairTrade cho các sản phẩm gia vị… đều đem lại kết quả tích cực.
Ba là Tăng cường quản lý sản xuất theo mô hình chuỗi: việc duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần trở thành hướng đi tất yếu cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình quản lý theo chuỗi giá trị cũng là điều kiện “cần” cho việc đảm bảo thông tin về sản phẩm nông nghiệp là minh bạch và truy xuất được – một yêu cầu bắt buộc từ hầu hết các thị trường mục tiêu đã có FTA với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Châu Âu.
Bên cạnh đó, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho rằng, vẫn cần có các hỗ trợ mang tính hệ thống từ cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan, như việc cung cấp thông tin về các FTA, về yêu cầu nhập khẩu và xu hướng tiêu dùng; cùng với đó là phải định hình và thúc đẩy kênh phân phối quốc tế cho nông sản Việt Nam; quảng bá thương hiệu quốc gia và các chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm...
Theo các chuyên gia, năng lực và quyết tâm của doanh nghiệp, của nhà sản xuất trong từng chuỗi giá trị nông sản chính là yếu tố tiên quyết để thực hiện các giải pháp trên.
Thiên Trang
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/giai-phap-nang-cao-gia-tri-nong-san-viet-chiem-linh-cac-thi-truong-xuat-khau-a3128.html