Theo Báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay Việt Nam có hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trong đó, hầu hết loài cây dược liệu quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao đều phân bố trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên như: Sâm Lai Châu, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Bách hợp, Thông đỏ, Vàng đắng, Hoàng liên ô rô, Hoàng liên gai, Thanh thiên quỳ, Lan kim tuyến...
Hầu hết các loài thảo dược quý, có giá trị đều sống dưới tán rừng, nhất là dưới tán rừng nguyên sinh, ở các đai độ cao khác nhau và các độ tán che khác nhau. Cho đến nay, cả nước có khoảng 14,79 triệu ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,1 triệu ha, chiếm gần 70% diện tích rừng của cả nước. . Nhiều địa phương đã và đang phát triển dược liệu trong môi trường rừng và làm tốt việc gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái
Chỉ riêng năm 2020, nguồn thu của 4 loại dịch vụ trong các hệ sinh thái rừng của nước ta gồm: Dịch vụ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ; dịch vụ môi trường rừng; dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các-bon; dịch vụ du lịch sinh thái đã mang lại giá trị khoảng 39.039 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thu được từ dịch vụ du lịch sinh thái đạt 2.022 tỷ đồng.
Phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái góp phần nâng cao giá trị nguồn dược liệu. Ảnh: HN.
Cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng, phần lớn là rừng tự nhiên. Trong đó, nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không phải rừng ở chỗ nào cũng có thể phát triển du lịch sinh thái, mà phải gắn với cảnh quan đặc trưng, hoặc di tích độc đáo nào đó thì mới có thể hấp dẫn đu khách. Hơn nữa, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề có liên quan.
Nhìn chung dược liệu và du lịch sinh thái là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng phát triển dược liệu và phát triển du lịch sinh thái lại là hai phạm trù có mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tại tỉnh Lai Châu, thời gian qua cây sâm được xác định là loài cây đặc hữu, có tiềm năng, thế mạnh lớn trong phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát và xây dựng Bản đồ vùng thích hợp trồng Sâm Lai Châu tại tỉnh. Lai Châu với tổng diện tích rừng hiện có là 472.676,04 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 450.392,33 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%; là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Trong đó, diện tích rừng giàu và rừng trung bình chiếm khoảng 13%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 900 - 1.400 m vào khoảng 29%, diện tích rừng có độ cao tuyệt đối từ 1.400 m đến trên 3.100 m khoảng 32%, phù hợp cho phát triển nhiều loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Năm 2022, tỉnh Lai Châu có trên 11.000 ha các loại cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu như: Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa, Lan Kim Tuyến, Thảo quả, Sa nhân, Tam thất, Đương quy, Hà thủ ô...
Với đặc thù địa hình núi cao, đặc trưng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng, tỉnh Lai Châu được xác định thuộc 1 trong 6 trọng điểm du lịch vùng và quốc gia nằm trên tuyến du lịch liên vùng “Qua miền Tây Bắc”. Phát huy tiềm năng thế mạnh, hiện Lai Châu tập trung phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng.
Ngoài ra, diện tích phù hợp trồng sâm ở Lai Châu có độ cao trên 1.200m. Nơi đây tập trung các bản làng người La Hủ, Mông, Hà Nhì... với sắc màu văn hóa đặc trưng. Việc phát triển sâm gắn với du lịch không chỉ quảng bá được văn hóa, sâm Lai Châu mà còn nâng cao được giá trị của sâm. Gắn phát triển dược liệu với du lịch, tỉnh Lai Châu đã và đang có nhiều giải pháp triển khai.
Tỉnh Lai Châu hướng tới mục tiêu phát triển sâm gắn với du lịch không chỉ quảng bá được văn hóa, sâm Lai Châu mà còn nâng cao được giá trị của sâm. Ảnh: LD.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành nghị quyết phát triển dược liệu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Ngoài các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đang khai thác như Sin Suối Hồ, Lao Chải, Nà Luồng... tỉnh đang huy động các nguồn lực đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch có thế mạnh gắn với dược liệu, nông nghiệp. Bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu như các nhà khoa học cũng đã khẳng định đó là một giá trị văn hóa.
Việc bảo tồn này nó phải được gắn với chuỗi giá trị cùng với phát triển kinh tế; thì việc phát triển sâm gắn với phát triển du lịch và du lịch sinh thái là một mục tiêu cũng như định hướng của tỉnh trong thời gian tới. Hiện nay một số địa phương trên địa bàn có điều kiện, lợi thế về vùng khí hậu cũng đang quan tâm cho phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng trồng sâm.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Phát triển dược liệu đang là thế mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao tại nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu. Tuy nhiên, các địa phương, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra, nâng cao giá trị thương hiệu, giá bán. Việc này đòi hỏi cần đổi mới sáng tạo để phát triển chuỗi giá trị dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Cây dược liệu thường gắn với chỉ dẫn địa lý, gắn đến những vùng sinh thái đặc biệt, gắn đến văn hóa, gắn đến truyền thống, gắn đến sự phát triển của một cộng đồng nào đó.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với các mô hình phát triển nông nghiệp dược liệu, từ đó có thể từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về dược liệu ở Việt Nam, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của dịch vụ hệ sinh thái rừng của từng địa phương.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu từ nay đến năm 2030 là bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho hệ sinh thái rừng. Phấn đấu diện tích trồng sâm Việt Nam đạt khoảng 31.000 ha vào năm 2030 và 100% diện tích sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Đến năm 2045, sâm Việt Nam phấn đấu trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương. Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển, quảng bá sâm là cần thiết và đang được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.
Gia Nhi
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/phat-trien-duoc-lieu-theo-chuoi-gia-tri-gan-voi-du-lich-sinh-thai-a3163.html