Dấu ấn phát triển kinh tế Thanh Hóa 6 tháng đầu năm 2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước đạt 7,0% (quý I tăng 6,7%; quý II tăng 7,29%), đứng thứ 18 cả nước.

Tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 7%, đứng thứ 18 cả nước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,87%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; Dịch vụ tăng 8,1%.

hophoidong-1688978846-1689043392.jpeg

Sáng 10/7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII khai mạc kỳ họp thứ 14

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3,87%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (1,93%). Vụ Đông Xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 238,1 nghìn ha, sản lượng lương thực ước đạt 888,5 nghìn tấn, bằng 58,1% kế hoạch (KH), tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó năng suất lúa đạt 67 tạ/ha, vượt 3 tạ/ha so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, đã thực hiện chuyển đổi 1.169,4 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn. Các nhà máy đã thu mua và chế biến gần 838,5 nghìn tấn mía nguyên liệu và 199,3 nghìn tấn tinh bột sắn. Lô vải không hạt (Vải Ngọc) đầu tiên trồng tại huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Vương quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 140,7 nghìn tấn, bằng 48,5% KH, tăng 4,0% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 129,8 triệu quả, bằng 41,9% KH, tăng 12,8%; sản lượng sữa tươi ước đạt 19.380 tấn, tăng 6,2%. Công tác phòng, chống dịch được chỉ đạo quyết liệt, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đã hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023 cho gia súc, gia cầm, đạt 100,6% KH. Lâm nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Toàn tỉnh đã trồng được 5.650 ha rừng tập trung, bằng 56,5% KH; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 427 nghìn m3, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt 28.492,4 ha tại 07 huyện; an ninh rừng được đảm bảo, phòng, chống cháy rừng được thực hiện quyết liệt, không xảy ra cháy rừng. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 104.521 tấn, bằng 49,5% KH và tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 68.355 tấn, bằng 49,7% KH, tăng 5,8%.

Toàn tỉnh hiện có 6.259 tàu cá các loại, trong đó có 1.144 chiếc có chiều dài 15 m trở lên. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được phát triển; đến nay, toàn tỉnh có 1.237 doanh nghiệp, 802 hợp tác xã, 891 trang trại, 1.162 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, đã đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1; Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa...

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm chỉ đạo. Có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 64 sản phẩm được xếp hạng OCOP tỉnh.

Sản xuất công nghiệp 

6 tháng qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển; Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,49% và có 18/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng bằng hoặc tăng so với cùng kỳ. Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa và 42 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng và thị trường bất động sản được tăng cường.

Dịch vụ, thương mại 

Dịch vụ, thương mại tiếp tục phát triển; tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ ước đạt 82.952 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.431 triệu USD, bằng 44,2% kế hoạch, giảm 9,7% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 4.590 triệu USD, tăng 5,3%. Tổng lượng khách du lịch ước đạt 8,354 triệu lượt, bằng 69,6% kế hoạch, tăng 13% (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 16,7%. Doanh thu vận tải ước đạt 10.353 tỷ đồng, tăng 34,5%; các hãng hàng không đã tổ chức 4.094 lượt cất hạ cánh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, vận chuyển 620.592 lượt khách, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 1,8%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước đạt 150.798 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 180.961 tỷ đồng, tăng 2,5%.

Về hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn ở trong và nước ngoài nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh; Phối hợp tổ chức thành công các sự kiện Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa. Đón tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Hủa Phăn tại Thanh Hóa và tổ chức đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh sang thăm, làm việc tại tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 66.090 tỷ đồng, bằng 47,2% kế hoạch, giảm 4,8%; thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 9 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến hết tháng 6 đạt khoảng 39,9% kế hoạch, cao hơn bình quân chung cả nước (khoảng 31,4%). Có 1.287 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 42,9% kế hoạch và bằng 78,4% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước.

Hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2023 được tổ chức, thu hút du khách đến với tỉnh; tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023. Tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 8.354 nghìn lượt, bằng 69,6% KH, tăng 13% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt, đạt 34,9% KH); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng, bằng 62,3% KH, tăng 16,7%.

Vận tải hành khách

Hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Vận chuyển hành khách ước đạt 20,2 triệu lượt, bằng 65,4% KH, tăng 53% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 36 triệu tấn, bằng 54% KH, tăng 20,6%; xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 23,6 triệu tấn, bằng 49,2% KH, tăng 12%; doanh thu vận tải ước đạt 10.353 tỷ đồng, bằng 58,1% KH, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không đã tổ chức 4.094 lượt cất hạ cánh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, vận chuyển 620.592 lượt khách, giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông

Dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển ổn định; doanh thu ước đạt 2.300 tỷ đồng, bằng 47,9% KH, tăng 1,8% so cùng kỳ. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) ước đạt 150.798 tỷ đồng, tăng 8,1% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 180.961 tỷ đồng, tăng 2,5%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5.804 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 48.510 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay theo gói hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đối với 192 khách hàng với dư nợ 1.359 tỷ đồng.

Thu ngân sách Nhà nước ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán, giảm 25% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 33%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và giảm 12%.

 

Tâm Trang

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/dau-an-phat-trien-kinh-te-thanh-hoa-6-thang-dau-nam-2023-a3172.html