Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cung và phía cầu bao gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; tiếp tục triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về quyết liệt hơn giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
(Ảnh minh họa)
Các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt nghiêm túc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc theo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Đồng thời, tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ trọng điểm; công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quốc gia, ngành quốc gia, vùng, tỉnh và triển khai quyết liệt các quy hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ. Xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi thì có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Tập trung, khẩn trương xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; có các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai thực hiện gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất và 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Khánh Linh
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/chinh-phu-yeu-cau-tiep-tuc-giam-mat-bang-lai-suat-cho-vay-tu-15-2-a3173.html