Thu ngân sách nhà nước đạt 54% dự toán, giảm so với cùng kỳ

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm so với cùng kỳ. Tiến độ một số khoản thu như tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và một số địa phương đạt thấp.

Nửa đầu năm thu gần 900 nghìn tỷ đồng

Báo cáo công tác Tài chính - Ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đánh giá công tác điều hành chính sách tài khóa chủ động, quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước, kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các chính sách tài khóa, cân đối đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước quyết liệt ngay từ đầu năm. Rà soát các nguồn thu, phấn đấu tăng thu ở các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Công tác quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

thu-ngan-sach-1009-1689219872.jpeg

Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2023 với quy mô dự kiến khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng).

Đồng thời, kiến nghị xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều hành như: bố trí kinh phí mua vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2023 chưa phân bổ.

Về thu ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính nhờ chủ động trong điều hành, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán; đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 70,3 nghìn tỷ đồng (miễn giảm 28,3 nghìn tỷ đồng, gia hạn 42 nghìn tỷ đồng).

Về chi ngân sách nhà nước, theo Bộ Tài chính các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 804,6 nghìn tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển tăng so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn (65,2 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ đạt  27,75%).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành 179,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,23 năm, lãi suất bình quân 3,7%/năm, góp phần đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước cho trả nợ gốc và định hướng lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước 6 tháng giảm so cùng kỳ. Tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương.

Công tác triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm, kéo dài.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thất thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bộ Tài chính cho rằng để xảy ra hạn chế trên là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong công tác chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công được giao, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vẫn còn tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định.

Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán. Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn vay ngoài nước, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023. 

 

An Nhi

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-dat-54-du-toan-giam-so-voi-cung-ky-a3187.html