Doanh nghiệp chung tay nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính

Cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất, theo các doanh nghiệp đây chính là 3 bước quan trọng để chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh, và mục tiêu cao hơn là Net Zero vào năm 2050.

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bắt đầu từ năm nay, khoảng 1.920 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Đây chính là tiền đề quan trọng cho giai đoạn từ 2026-2030 sẽ bắt đầu thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ cho các doanh nghiệp, bộ ngành.

Trong khi đó, theo thông tin của Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tđ trở lên từ 2022, 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050, Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026.

Vì vậy, trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp sẽ bị giới hạn không được phát thải quá một mức độ cho phép. Như vậy, việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, hấp thụ khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới.

ktth-08062022181637-1689410013-1689496485.jpeg

Doanh nghiệp chung tay nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh minh họa

Vinamilk là doanh nghiệp sữa đầu tiên tại Việt Nam có nhà máy và trang trại đạt trung hòa carbon (các-bon) theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014. Theo đó, doanh nghiệp cũng công bố lộ trình cắt giảm khí nhà kính trong thời gian tới, cụ thể sẽ cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và tiến đến mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050.

Để hiện thực hoá lộ trình trên, doanh nghiệp kiên trì thực hiện từ năm 2012 trở lại đây, bên cạnh 3 quá trình cắt giảm, chuyển đổi và hấp thụ khí nhà kính trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, Vinamilk đã triển khai Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam, hoàn thành trồng 1.121.000 cây vào cuối năm 2020. Năm 2023, Coogn ty phối hợp cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hoạt động trồng cây để trung hòa các-bon hướng đến Net Zezo trong vòng 5 năm 2023 – 2027 và nhiều dự án trồng cây khác để hình thành các cánh rừng Vinamilk trong quỹ cây xanh giúp hấp thụ phát thải các-bon.

Chia sẻ về lợi thế khi chuyển dịch xanh càng sớm càng tốt, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, Vinamilk công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thật ra đây là quá trình và hành động kép. Mục tiêu là giảm biến đổi khí hậu và xóa dấu chân các-bon trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp mình. Đặc biệt, chúng tôi không mua tín chỉ các-bon mà chúng tôi trung hòa bằng những hành động của mình.

Ông Khánh cho biết, có dự án thì phải tính chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận thu lại, nhưng kinh nghiệm của Vinamilk nếu đầu tư từ sớm thì chi phí sẽ thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều. "Nếu nhiều năm trước chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ chúng tôi không thể tự trung hòa lượng phát thải phát ra", ông Khánh chia sẻ và cho biết "Trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm. Điều này tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi. Chi phí là có nhưng hiệu ích lớn hơn".

Được biết, Tập đoàn Nestlé đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Theo lộ trình Nestlé đưa ra, Tập đoàn sẽ giảm 20% phát thải vào năm 2025, 50% vào năm 2030, và hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Là công ty hàng đầu về thực phẩm, trong chuỗi cung ứng của Nestlé, phát thải từ hoạt động nông nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính của tập đoàn. Điều này cho thấy phần lớn lượng phát thải đến từ thượng nguồn chuỗi giá trị, tức từ khâu sản xuất nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thực phẩm.

Vì vậy, để đạt được các bước tiến trong việc thực hiện cam kết Net Zero, Nestlé tập trung vào thượng nguồn chuỗi giá trị, với 2 cách tiếp cận chiến lược để giảm phát thải, gồm: Thúc đẩy nông nghiệp tái sinh; và bảo tồn, tái tạo rừng. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện các sáng kiến và chương trình giảm phát thải trong sản xuất và trong vận tải hàng hóa.

Còn theo ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vinfast cho biết, Công ty sẽ tập trung năng lượng xanh, Vinfast sẽ tham gia vào quá trình chuyển dịch xanh của Chính phủ Việt Nam. “Chúng tôi chưa có lợi thế để bán tín chỉ các-bon. Chúng tôi đã nỗ lực đầu tư về xe điện và thị trường carbon sẽ là cơ hội lớn. Đầu năm 2019, chúng tôi đã có bảo cáo về ESG trong đó các-bon rất khó để tích trữ. Chúng tôi tập trung vào năng lượng xanh và có trách nhiệm với môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính”.

 

Bảo Vy

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/doanh-nghiep-chung-tay-no-luc-cat-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-a3210.html