Khoa học công nghệ đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới; 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Theo đó, nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năng suất lúa của Việt Nam đạt cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới; cao su đứng thứ 2 thế giới...

cong-nghe-1691466591-1691545567.jpeg

Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nông nghiệp đã và đang được lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT quan tâm và ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, hai Bộ đã thúc đẩy sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển  khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, hai Bộ cần tiếp tục phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Tiếp đó, hai Bộ phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án khoa học, công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu quốc gia cho một số sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực như: gạo, cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, thủy hải sản, sản phẩm chế biến từ gỗ…đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm của các thị trường khác nhau, nhất là các quốc gia đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.

Ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để điều khiển quá trình canh tác tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh; xây dựng và nâng cao năng lực các hệ thống đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các tổ chức, nông dân để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT trong thời gian tới là phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, Đề án khoa học, công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình công nghiệp sinh học nông nghiệp, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Chương trình Phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030;…

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe-dong-gop-tich-cuc-vao-tang-truong-nong-nghiep-a3350.html