Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân

Là huyện có thế mạnh về cây ăn quả, huyện Sông Mã đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông sản xanh, sạch, tuần hoàn theo chuỗi giá trị. Huyện cũng chú trọng thúc đẩy kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân.

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành. Tổ chức sản xuất theo hợp đồng sẽ tránh tình trạng “được mùa, mất giá”…

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Ngay từ đầu năm 2023 huyện Sông Mã đã ban hành Kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm; xác định rõ các địa bàn tiêu thụ; đẩy mạnh liên kết, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. 

Dự kiến trong vụ nhãn 2023, huyện sẽ xuất khẩu 2 container nhãn đầu tiên của năm sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương quốc Anh. Việc tổ chức xuất khẩu nhãn Sông Mã sang các thị trường, góp phần thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng năm 2023 đảm bảo yêu cầu “Được mùa, được giả, được thu nhập” cho các HTX và hộ dân trồng nhãn. Mở rộng thị trường tiêu thụ, huyện Sông Mã còn tích cực tham gia các đoàn công tác do tỉnh tổ chức khảo sát, nghiên cứu thị trường nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị như: Công ty TNHH Sản xuất và thương mại tổng hợp Phương Mai, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai, Công ty TNHH Hùng Thảo Bắc Giang, Công ty TNHH Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA Hải Dương và một số thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã thực hiện ký cam kết với tỉnh về thực hiện xuất khẩu.

loi-ich-cua-nhan-2234-1691805958.jpeg

Sản phẩm nhãn Sông Mã

Huyện Sông Mã thành lập các kênh quảng bá thương hiệu hiện đại Online: các kênh truyền thông trên mạng xã hội: Fanpage, Youtube, Tiktok, Website…; duy trì thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Australia đối với trái cây tươi; phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU. Nhãn Sông Mã có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Ngoài việc xuất bán trực tiếp quả nhãn tươi, nhãn còn được chế biến thành long nhãn. Hoạt động này, không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động mà con nâng cao giá trị sản phẩm long nhãn Sông Mã. 

Việc nông dân chủ động chế biến long nhãn để tiêu thụ sẽ tránh bị ép giá. Do vậy, các xã, thị trấn đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các HTX, nông hộ thay dần các lò sấy thủ công sang lò sấy hơi, nhiệt để tạo ra sản phẩm long nhãn có mẫu mã đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, toàn huyện có 2.994 lò sấy, công suất chế biến từ 1.500 - 2.000 tấn quả tươi/ngày. Năm 2023, huyện Sông Mã dự kiến đưa vào chế biến khoảng 25.000 tấn quả tươi; duy trì 5 container lạnh bảo quản nông sản với công suất khoảng 130 - 162 tấn quả tươi và 3 kho lạnh có khả năng bảo quản khoảng 360 tấn quả tươi.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ sản xuất theo kiểu mới, tập trung sản xuất, kinh doanh nhằm tập hợp nông dân sản xuất theo quy mô lớn; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển đổi số, xây dựng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản và phục vụ xuất khẩu; tham gia chuỗi giá trị sản xuất, nghiên cứu xây dựng thương hiệu giúp nông dân sản xuất hướng đến thị trường; đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại các cửa hàng thương mại dịch vụ có liên kết với sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP…

Vân Khanh

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/lien-ket-san-xuat-gan-voi-tieu-thu-san-pham-nong-san-cho-nong-dan-a3370.html