Thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số, đảm bảo an ninh thế nào?

Thanh toán điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng theo nhu cầu của người dân, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều phức tạp, khó dự báo với các mối đe dọa, tác động tiêu cực đối với các tổ chức tài chính cũng như khách hàng.

20221130-ta5-1692635011-1692668628.jpeg

Nhiều giải pháp để bảo vệ thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số - Ảnh minh họa.

Theo số liệu được đưa ra tại Tại tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số”, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, rất nhiều tổ chức tín dụng đã đạt được số lượng giao dịch trên kênh số lên tới 90%. Điều đó giúp các tổ chức tín dụng giảm thiểu nhiều chi phí so với thực hiện các giao dịch truyền thống trước đây.

Hiện nay, hệ thống thanh toán quốc gia đang giao dịch trên 800.000 tỷ đồng/ngày; hệ thống qua Napas có số lượng giao dịch trong năm 2022 đạt mức 4,8 tỷ giao dịch/năm, dự kiến trong năm 2024 sẽ đạt con số là 8,4 tỷ giao dịch/năm.

Tính đến tháng 6/2023, lượng tiền giao dịch thanh toán chuyển khoản bình quân tăng 52,35% so với năm 2022. Lượng thanh toán thông qua POS, mã QR, internet và Mobile Banking tăng cả về giá trị lẫn số lượng. Trong khi đó, lượng rút tiền mặt qua ATM giảm khoảng 6,3%. Có thể thấy, chuyển đổi số có thể giúp hạn chế sử dụng tiền mặt và thúc đẩy về thanh toán một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.

Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực đôn đốc các tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải tăng cường đầu tư cho an toàn thông tin, bảo mật theo đúng như các bước đặt ra trong kế hoạch chuyển đổi số của ngành ngân hàng do Thống đốc ban hành.

Tích cực ứng dụng các công nghệ mới vào trong quá trình chuyển đổi số, làm sao xây dựng được một hệ sinh thái sử dụng, khai thác dữ liệu các bộ, ngành liên quan một cách liền mạch.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận. Đây là công tác thường xuyên, liên tục, không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, mà đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, toàn dân, trong đó có các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, cần sự chung tay từ cơ quan quản lý đến các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các nhà cung cấp nước ngoài như Mastercard, Visa, Unionpay… trong việc ngăn chặn các hành vi lừa đảo, gian lận, Đồng thời, tiếp tục tăng cường, thúc đẩy, truyền thông vấn đề này để người dân ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Qua đó, từng bước giảm dần các thiệt hại do những hành vi lừa đảo, gian lận như trong thời gian vừa qua.

Các ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư các công nghệ mới, công nghệ chống lừa đảo như lừa đảo qua DeepFake… hay các công nghệ từ an ninh thông tin nền tảng đến an ninh thông tin ứng dụng, rồi đến các công nghệ xác thực, chứng thực làm sao để bảo đảm định danh đúng người chủ tài khoản thực hiện giao dịch.

Về mặt con người, các tổ chức tín dụng tiếp tục phát triển và xây dựng những bộ phận an ninh thông tin chuyên biệt; xây dựng đội ngũ giám sát, phát hiện các vấn đề về tấn công cũng như giám sát phát hiện các vấn đề về khách hàng bị lừa đảo để đồng hành cùng khách hàng để xử lý các vấn đề…

Bên cạnh đó, cần lập mạng lưới để ứng phó nhanh nhất có thể từ cơ quan công an đến ngân hàng, đến các tổ chức tín dụng làm sao để khi có một khách hàng bị lừa đảo thì chúng ta phối hợp với nhau để ngăn chặn được luồng tiền đi, giữ lại được tiền cho khách hàng.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/thanh-toan-dien-tu-trong-ky-nguyen-so-dam-bao-an-ninh-the-nao-a3444.html