3 nhóm giải pháp để triển khai thị trường carbon. Ảnh minh họa
Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero cho Việt Nam thời gian tới. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon được hiểu như là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí carbon dioxide hoặc khí thải nhà kính khác. Mỗi một tín chỉ carbon được tính bằng 1 tấn CO2, cho phép phát thải 1 tấn carbon dioxide hoặc quy đổi tương đương từ các loại khí nhà kính khác như khí CH4, NO2.
Đối tượng mua bán tín chỉ carbon là các nhà máy, công ty sản xuất có thải ra không khí một lượng khí CO2 nhất định, nếu vượt quá mức quy định, họ phải mua thêm tín chỉ carbon. Ngược lại doanh nghiệp phát sinh lượng phát thải thực tế thấp hơn mức giới hạn doanh nghiệp đó có thể bán phần tín chỉ carbon chưa sử dụng cho doanh nghiệp khác có phát thải vượt quá mức giới hạn.
Việc tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua - vừa bán", Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon…
Trong khi đó, bên bán carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo ThS. Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, để triển khai thị trường carbon cần có 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đặt ra gồm quy định về quản lý nhà nước đối với tín chỉ carbon, quy định về đấu giá, vay mượn, nộp trả và thu hồi hạn ngạch. Xây dựng khung pháp lý cho tổ chức và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường tín chỉ carbon. Ban hành quy định về quy trình, kỹ thuật đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Tập trung vào các nhiệm vụ về tạo lập hàng hóa, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và việc quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động trên thị trường carbon.
Nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng như tham gia vào thị trường và phát triển hệ thống thông tin.
Cùng với việc tham gia thị trường carbon, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có thêm các lựa chọn để thực hiện giảm phát thải của doanh nghiệp. Thông qua tính toán chi phí, lợi ích của từng phương án, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có thể lựa chọn phương án áp dụng công nghệ ít phát thải hoặc thực hiện mua lại hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải khí nhà kính của mình.
Hà My
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/3-nhom-giai-phap-giup-trien-khai-thi-truong-tin-chi-carbon-a3564.html