Khó khăn trong tiếp cận tín dụng thường rơi vào các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có tài sản đảm bảo đủ lớn - Ảnh minh họa.
Các quy định vay vốn vẫn không thay đổi so với trước đây
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho biết, tại hội thảo đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra vào ngày 15/9 tại Cần Thơ, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho hay, tiền trong ngân hàng đang thừa, có thể cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo và thủy sản vay vốn nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đôn, dù ngân hàng đẩy mạnh cho vay nhưng doanh nghiệp phải có kế hoạch kinh doanh mới hấp thụ được vốn. Hiện thị trường lúa gạo "hơi đóng băng", doanh nghiệp không ký hợp đồng mới và không có kế hoạch bán ra nên họ không cần vay vốn ngân hàng.
Mặt khác, doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp đảm bảo cộng với kế hoạch kinh doanh cụ thể mới được ngân hàng giải ngân, như vậy thủ tục cho vay của các ngân hàng không khác gì so với trước đây.
“Điều kiện vay vốn ngân hàng thì dễ nhưng còn phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh và thị trường xuất khẩu, thông thường doanh nghiệp vay bằng USD nếu không có kế hoạch xuất khẩu gạo thì sẽ không có USD để trả cho ngân hàng”, ông Đôn nói.
Đồng quan điểm với ông Đôn, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Phước Thành 4 (Phước Thành 4) cho biết, việc tiếp cận vốn ngân hàng không khó, có khó khăn là đối với những doanh nghiệp đã hết khung tín dụng, hết tài sản thế chấp.
Đối với lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái nếu doanh nghiệp có nhu cầu trước mắt phải có tài sản thế chấp mới mở hạn mức tín dụng. Nếu một doanh nghiệp lớn cần 500 tỷ/năm, với tài sản thế chấp họ sẽ ký hợp đồng trước với một số ngân hàng, khi có nhu cầu tiền họ sẽ báo trước với ngân hàng vài ngày sẽ được giải ngân ngay.
Khó khăn về vốn thường rơi vào các doanh nghiệp mới thành lập, nhỏ và siêu nhỏ
Theo ông Thành bức tranh chung vốn tín dụng cho chuỗi ngành lúa gạo không “êm đềm” vì khó khăn thường rơi vào các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có tài sản đảm bảo đủ lớn.
Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 219 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, và khoảng 700-800 hàng xáo, nhà máy xay xát và cung ứng, họ là những hộ kinh doanh cá thể nhỏ và siêu nhỏ nhưng là nhóm đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng lúa gạo, nếu khâu đầu vào này lại bị nghẽn vốn thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ gặp khó khăn về nguồn cung.
Doanh thu của một hàng xáo có thể lên tới 400 - 500 tỷ đồng/năm, nhưng do không có tài sản đảm bảo đủ nhu cầu vốn và không có báo cáo tài chính, nên họ gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.
“Vòng quay vốn của những hàng xáo rất lớn có thể là bằng với một doanh nghiệp gạo tầm trung, nhưng do kinh doanh hộ cá thể không có tài sản đủ lớn để thế chấp và không làm báo cáo tài chính nên vấn đề giải ngân của họ rất khó”, ông Thành nói.
Trong một chuỗi cung ứng nếu có một nút thắt ở một khâu nào đó trong chuỗi cung ứng sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi, làm tăng chi phí đầu vào làm giảm tính cạnh tranh gạo xuất khẩu.
Ví dụ, không vay được tiền ở ngân hàng buộc hàng xáo vay tiền bên ngoài lãi suất cao, họ phải bán nguyên liệu giá cao cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giá thành gạo xuất khẩu tăng cao.
Để chuỗi cung ứng lúa gạo được hoàn thiện hơn, hai năm nay Công ty Phước Thành 4 đã xây dựng mô hình cung ứng vốn, theo đó, hàng xáo đưa lúa về đến kho công ty, trong thời gian từ 3 - 5 ngày chờ sấy lúa và bóc vỏ... công ty sẽ ứng khoảng 70% giá trị lô hàng để hàng xáo quay vốn. Đến khi lúa sấy, bóc vỏ xong công ty quyết toán xong phần tiền còn lại của lô hàng. Mô hình của Công ty Phước Thành 4 đang được rất nhiều hàng xáo tham gia.
Cách làm này giúp vòng quay sản phẩm được luân chuyển dễ dàng, tuy nhiên, khả năng Phước Thành 4 chỉ có thể giải quyết được khoảng 20.000 tấn/năm, không thể giải quyết hết 25 triệu tấn lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
“Mô hình này cần được nhân rộng ra nhiều doanh nghiệp khác nếu được sẽ giúp hàng xáo giảm chi phí vay lãi suất cao, vì thực tế có những hàng xáo do không vay được trong khi giá lúa xuống thấp buộc phải bán, làm mất cơ hội kiếm lời của họ”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 nói.
Bên cạnh đó, Phước Thành 4 còn đưa ra mô hình tạm trữ, khi lúa về nhà máy của công ty xay xát, lau bóng ra thành phẩm xong, nếu hàng xáo bán cho công ty sẽ được miễn tiền lưu kho, trường hợp mua bán ra bên ngoài thì công ty sẽ tính tiền lưu kho 30 đồng/kg gạo/tháng. Đây là hình thức cho mướn kho nhưng giá rất rẻ so với đi thuê kho bên ngoài.
Phương Nhi
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/doanh-nghiep-trong-chuoi-cung-ung-lua-gao-kho-tiep-can-nguon-von-a3637.html