Bất động sản tiếp tục là “thỏi nam châm” hút dòng vốn FDI

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đánh giá của bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Hà Nội cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, cụ thể là lĩnh vực bất động sản.

Bất động sản vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang là "thỏi nam châm" thu hút các nhà đầu tư ngoại. Sở hữu những tiềm năng để phục hồi và bứt phá.

ky-vong-thi-truong-bat-dong-san-se-bung-no-trong-nam-2021-1610002820-1657794359-1657871254.jpg

Nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam mọi phân khúc (Ảnh minh họa).

 

Mặc dù, dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp, tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong việc thu hút FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lượng vốn FDI mới vào nước ta đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm, trong đó, vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2018, hoạt động kinh doanh bất động sản của cả nước đóng góp gần 5% GDP, tăng trưởng 4,33%, cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Trong đó, 2/3 doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn, đặc biệt, bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút vốn.

Với những yếu tố trên, theo Savills, Dòng tiền FDI vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ còn lớn hơn nữa. Điều này là bởi các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam. Việt Nam là một trong những đất nước phòng, chống dịch tốt nhất với tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đây là một trong những ưu điểm rất lớn, mang lại lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ký kết 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nổi lên như một thị trường lớn mạnh với lượng lao động trẻ, năng động, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng cao, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh khả năng thu hút FDI với các nước khác trong khu vực.

fdi-1657794359-1657871253.jpg

Bất động sản tiếp tục là “thổi nam châm” hút dòng vốn FDI (Ảnh minh họa).

 

Tuy nhiên, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản cũng gặp phải rất nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể như, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết, do nhiều yếu tố liên quan đến hệ thống pháp lý xung quanh quá trình phát triển dự án. Điều này dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai. Một số loại hình bất động sản mới đã và đang được rất nhiều nhà đầu quan tâm như condotel, officetel nhưng các quy định pháp lý cho những loại hình này lại chưa được ban hành đầy đủ và kịp thời…

Để tháo gỡ khó khăn, thu hút dòng vốn FDI hơn nữa vào thị trường bất động sản trong tương lai, các chuyên gia cho rằng những quy định về pháp lý cho các loại hình bất động sản mới cần được rà soát chặt chẽ hơn, chính sách đầu tư nước ngoài cũng cần được cải thiện và điều chỉnh kịp thời sao cho phù hợp, theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, chất lượng giao thông và cơ sở hạ tầng cũng cần được tập trung hoàn thiện, nâng cao.

Diệu An

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/bat-dong-san-tiep-tuc-la-thoi-nam-cham-hut-dong-von-fdi-a375.html