Để hương vị núi rừng Tây Bắc vươn xa

Sau 70 năm, cây cà phê Sơn La từ loại cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản, vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

a294792-1698018229-1698029307.jpg

Chăm sóc cây cà phê trở thành công việc nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Thái Sơn La. Ảnh: Trấn Long

Tính đến năm 2023, tỉnh Sơn La đã có hơn 20.000ha trồng cà phê Arabica, trở thành tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước, chiếm 41,2% tổng diện tích cả nước. Trong đó có gần 18.000ha cà phê được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi (giá trị thu từ bán sản phẩm quả cà phê tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng).

Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê, với sự tham gia của các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Hiện, sản phẩm Cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao; góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La.

Nhằm nâng tầm giá trị cà phê Sơn La, gắn với nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số…Tỉnh Sơn La đã tổ chức Lễ hội Cà phê lần thứ nhất năm 2023 với chủ đề: "Arabica, Cà phê Sơn La - Hương vị núi rừng Tây Bắc".

Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam. Lễ hội lần này, ghi dấu hành trình 70 năm Cà phê Sơn La, từ loại cây cải thiện sinh kế, đến thương hiệu đặc sản, vươn ra thế giới, được ưa chuộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cà phê Sơn La luôn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành hàng cà phê Việt Nam.

Hướng tới dấu mốc tiếp theo trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến câu chuyện hợp tác, liên kết có vai trò quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị bền vững ngành hàng cà phê Sơn La. Hợp tác giữa bà con nông dân với nhau, liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp, giúp tổ chức lại sản xuất, giảm chi phí đầu vào, đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, gắn kết với nhu cầu đa dạng của thị trường.

Hợp tác, liên kết sẽ giúp ngành hàng cà phê Sơn La tiếp cận “kinh tế trải nghiệm”, gắn kết tài nguyên bản địa với trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương; chủ động thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đáng chú ý gần đây, có tiêu chuẩn EUDR của châu Âu quy định về các sản phẩm nông sản không gây mất rừng, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho cà phê Sơn La nói riêng và ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung.

“Lễ hội Cà phê Sơn La là dịp để gặp gỡ, trao đổi tiếp tục hiện thực hóa về sự phát triển bền vững ngành hàng cà phê của cả nước, cùng nhau gửi gắm một thông điệp với thế giới: Nghĩ đến cà phê là nghĩ đến Việt Nam, thưởng thức cà phê Sơn La là cảm nhận hương vị núi rừng Tây Bắc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thu Hiền

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/de-huong-vi-nui-rung-tay-bac-vuon-xa-a3761.html