Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Giang

Trong hơn 10 năm gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

a294792-1698018229-1698049173.jpeg

Mùa hoa Tam giác mạch trên cao nguyên Đồng Văn.

Nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng và trở thành thương hiệu của Hà Giang, tiêu biểu là Lễ hội hoa Tam giác mạch, một loài hoa mang tính biểu tượng cho người dân vùng Cao nguyên đá vượt khó đi lên, xây dựng cuộc sống ấm no, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị và xác định xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia là nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, với nhiều khó khăn phải giải quyết, tỉnh Hà Giang cần nâng cao năng lực sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khai thác hợp lý hiệu quả tiềm năng thế mạnh. Xác định rõ tiềm năng lợi thế của mình, tập trung phát triển có chiều sâu vào một số lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, chủ động tích cực và tranh thủ sự ủng hộ của các Ban, Bộ ngành Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các thành phần kinh tế để phát triển toàn diện, bền vững. Quan tâm đúng mức đến phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Hà Giang.

Tổ chức rà soát các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gắn với quy hoạch phát tổng thể của vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cần chú ý liên kết vùng, trong đó đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông với nội tỉnh, ngoại tỉnh. Đổi mới và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ để giảm nghèo bền vững, giảm nhanh xã nghèo, huyện nghèo, đảm bảo an sinh xã hội để đạt mặt bằng phát triển chung trong vùng và cả nước.

Xác định rõ Hà Giang là địa bàn chiến lược, do vậy, dù bất luận hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững sự ổn định tình hình, không chủ quan bị động, làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, quan tâm chính sách dân tộc của Đảng, chăm lo vùng khó khăn, vùng biên giới, xây dựng văn hóa thôn bản gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Hà Giang hội tụ những giá trị vật thể và phi vật thể, làm nên sự hấp dẫn hết sức độc đáo, mà quý vị có thể khám phá, dù trên cương vị khách du lịch, các tổ chức doanh nghiệp đầu tư hay các tổ chức phi chính phủ… Hà Giang có vẻ đẹp biên cương hùng vĩ, với đường đi trên mây lên tới cổng trời, hoang sơ của đá, sắc thắm của hoa và tình cảm sâu đậm của các dân tộc thiểu số ở đây.

Hà Giang đang chuyển mình với một quyết tâm phát triển lớn, được cụ thể hóa bằng những chính sách đầu tư, kinh doanh và các ý tưởng hợp tác cụ thể, làm sao phát huy được tiềm năng thành những cơ hội để phát triển kinh tế xã hội của địa phương một cách bền vững". Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh nhấn mạnh trong chiến lược hội nhập và tiến trình phát triển, Hà Giang đã sớm chủ động nhận diện và định vị lại vị trí của mình trong chuỗi giá trị quốc gia và quốc tế để từ đó xác định rõ hơn mục tiêu cũng như định hướng phát triển.

Đó là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, từng bước xây dựng Hà Giang thành một trong những trung tâm du lịch và trọng điểm quốc gia về dược liệu, có kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Hà Giang có cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu giai đoạn 2015 - 2018, có nền văn hóa đậm đà bản sắc với cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống và 57 di sản văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công bố ba Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Giang được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu mùa, cầu mưa của người Dao huyện Bắc Mê; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ cầu an của người Giáy xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc và Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô Đen xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.

Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 25 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Năm 2021, tỉnh tổ chức kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, kết quả đã nhận diện được 446 Di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm và sinh sống tập trung thành làng (bản), gồm: Mông, Tày, Dao, Kinh, Nùng, Giáy, La Chí, Hoa (Hán), Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo. Trong đó có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống và 57 di sản tri thức dân gian.

Việc kiểm kê nhận diện, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho nhân dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh./.

Tuệ Nhi

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-cua-ha-giang-a3765.html