Thủ tục gia hạn chứng nhận sản phẩm OCOP khi hết hạn

Giấy công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao có hiệu lự từ 36 tháng, nên để gia hạn, hoặc nâng cấp sao sản phẩm thì chủ thể cần phải thực hiện một số thủ tục bắt buộc.

san-pham-ocop-2-1698068959-1698113318.jpeg

Chủ thể OCOP cần chuẩn bị những gì để sản phẩm được công nhận lại sau khi hết hạn.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP) quy định rõ, thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao là 36 tháng. Sau khi hết hiệu lực, các chủ thể OCOP có thể đăng ký sản phẩm để được đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm thường xuyên, liên tục (theo kế hoạch và chu trình OCOP của địa phương).

Theo quy định về đánh giá, phân hạng lại sản phẩm sau khi hết thời hạn. Chậm nhất 30 ngày trước ngày hết thời hạn 36 tháng, cơ quan ban hành Quyết định công nhận kết quả và cấp Giấy chứng nhận đạt sao có văn bản thông báo cho các chủ thể OCOP về thời hạn của Giấy chứng nhận.

Sau khi nhận thông báo, chủ thể OCOP nếu có nhu cầu, cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị Hội đồng công nhận lại sản phẩm. Hồ sơ bao ngoài phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Báo cáo của chủ thể đánh giá về sản phẩm theo tiêu chí rà soát, cập nhật những nội dung mới, đánh giá về kết quả sau 3 năm được công nhận OCOP, về nguyên liệu, thị trường, công bố chất lượng....

Ngoài ra, tại Quyết định số 148/QĐ-TTg cũng nêu rõ, cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình tại các cấp cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở về việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển nguyên liệu, liên kết, chất lượng và việc chấp hành các quy định hiện hành của chủ thể sản xuất. Tổ chức thực hiện các bước đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP theo quy định

Đối với các sản phẩm 3 sao do Hội đồng cấp huyện thẩm định. Dựa trên cơ sở hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP và báo cáo của cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình. Sau đó Hội đồng sẽ tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản về phiếu đánh giá sản phẩm. Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng, Hội đồng cấp huyện trình UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá; cấp Giấy chứng nhận đạt 3 sao và tổ chức công bố kết quả. Nếu sản phẩm 3 sao đủ tiêu chuẩn nâng hạng 4 sao, Hội đồng cần có văn bản đề nghị Hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng theo quy định.

Đối với Hội đồng cấp tỉnh: Căn cứ hồ sơ chủ thể, biên bản của Hội đồng cấp huyện, văn bản đề nghị của UBND cấp huyện và báo cáo của cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình, Hội đồng cấp tỉnh tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản về phiếu đánh giá sản phẩm. Căn cứ kết quả đánh giá, Hội đồng cấp tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá; cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao và tổ chức công bố kết quả. Nếu có sản phẩm đủ điều kiện nâng hạng 5 sao, Hội đồng thẩm định tỉnh cần có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng theo quy định.

Cấp trung ương: Trên cơ sở hồ sơ chủ thể, biên bản của Hội đồng cấp tỉnh, văn bản đề nghị của UBND cấp tỉnh và báo cáo của cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình (nếu có), Hội đồng cấp trung ương tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản về phiếu đánh giá sản phẩm. Căn cứ kết quả đánh giá, Hội đồng cấp trung ương trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá; cấp Giấy chứng nhận đạt 5 sao và tổ chức công bố kết quả.

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/thu-tuc-gia-han-chung-nhan-san-pham-ocop-khi-het-han-a3767.html