Tại nhiều tỉnh thành, giá heo hơi đã lên mốc 70.000 đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg so với trước đó.
Theo tính toán, ở mức giá thành 55.000 - 60.000 đồng/kg, bà con chăn nuôi đã có lãi rồi. Vì vậy khi lên mức cao trên 70.000 đồng, các cơ quan chuyên môn sẽ cần phải có các giải pháp. Một trong những nguyên nhân khiến giá lợn hơi tăng mạnh như vậy là do thiếu hụt nguồn cung.
Tại khu trung chuyển thu mua heo thịt Công ty cổ phần CP Bắc Giang, số lượng heo về công ty để bán ra thịt trường đã giảm 15 - 20 % trong tháng vừa qua. Nguồn cung thiếu nên giá ở tất cả các khâu cũng sẽ tăng theo.
"Thịt ra thị trường phụ thuộc vào khách hàng và khách hàng phải giết mổ, vận chuyển để bán cho các sạp, chợ hay siêu thị", ông Bùi Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần CP Bắc Giang, cho biết.
Ngoài lý do nguồn cung giảm, áp lực giá xăng và thức ăn chăn nuôi lên cao thời gian qua đã đẩy giá heo hơi tăng vọt.
Theo các tiểu thương tính toán, giá thành để sản xuất một con heo đầu năm chỉ khoảng 55.000 đồng một kg, nay tăng lên 60.000 - 62.000 đồng/kg. 6 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 7 lần khiến người chăn nuôi thua lỗ.
"Nguồn tạo ra thực phẩm sẽ cao lên. Với giá thức ăn hiện nay, giá xăng dầu tăng, sản xuất ra 1 kg thịt heo hơi rơi vào khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Vì vậy, để có lãi, giá thịt heo hơi phải trên 60.000 đồng trở lên", ông Lê Văn Dương, Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, cho hay.
Một lý do tác động đến giá heo hơi trong nước tăng cao trong thời gian qua đó là giá heo Trung Quốc và Thái lan tăng cao cũng khiến thịt heo Việt Nam bị ảnh hưởng. Hiện, giá heo hơi tại 2 quốc gia này gần chạm mốc 80.000 đồng/kg.
Như vậy, do thiếu nguồn cung, chi phí đầu vào tăng, giá cả thế giới tăng nên giá thịt heo của Việt Nam cũng tăng.
Giá thịt heo (lợn) hơi từng có những thời điểm chạm mốc 90.000 đồng/kg vào thời điểm căng thẳng nhất của dịch tả lợn châu Phi vì thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Dịch bệnh kiểm soát được nhưng nếu không quản lý tốt giá vật tư đầu vào cùng kiểm soát khâu thị trường thì bối cảnh đó có thể tái diễn vào thời điểm cuối năm nay khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Trước diễn biến trên, nhiều hộ chăn nuôi hào hứng chia sẻ đã chuyển từ lỗ sang lãi. Riêng với các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, kỳ vọng tăng trưởng đã nhanh chóng phản ánh vào thị giá cổ phiếu trên thị trường. Tuần qua, bất chấp thị trường chung biến động giảm mạnh, các mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai, DBC của Dabaco, BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vẫn duy trì mốc giá ổn định, thanh khoản tăng mạnh.
Điểm qua về tình hình kinh doanh các đơn vị trên, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) cho biết tính đến cuối tháng 5/2022 đã hoàn thiện 9 cụm chuồng trại để duy trì nuôi hơn 27.000 con heo nái sinh sản và 600.000 con heo thịt xuất chuồng mỗi năm.
Trong đó, tự chủ được nguyên liệu và sản xuất thức ăn đầu vào khiến Công ty hưởng lợi trong bối cảnh hiện nay, bất chấp nhiều đơn vị cùng ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, giá thành sản xuất tại HAGL theo chia sẻ gần nhất của lãnh đạo chỉ vào khoảng 38.000 đồng/kg.
5 tháng đầu năm, mảng chăn nuôi HAGL đạt 326 tỷ đồng. Tương ứng, tổng doanh thu thuần (tính tổng các mảng) tính đến hết ngày 31/5/2022 là 1.475 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 431 tỷ đồng - gấp 3,4 lần con số cả năm ngoái.
Còn Dabaco (DBC), được biết đến là doanh nghiệp lớn trong mảng chăn nuôi lợn với hệ thống trang trại lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc, cung ứng hàng vạn lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Tính đến cuối năm 2021, chi nhánh Lạc Vệ tại Bắc Ninh hiện nuôi 2.200 lợn nái, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh DBC Hải Phòng đang nuôi 2.200 con nái cơ bản, cung ứng 60.000 lợn giống thương phẩm; chi nhánh Hà Nam đang có 3.200 lợn nái, cung ứng 90.000 lợn giống thương phẩm, chi nhánh Phú Thọ với 4.800 lợn nái… Ngoài ra, Công ty hiện đang có chi nhánh lợn giống hạt nhân tại Bắc Ninh với 4.500 lợn giống gốc, lợn giống cụ kỵ, ông bà các chủng loại như Duroc, Pietrain... lượng cung ứng lên đến 55.000 – 60.000 giống nuôi thịt hàng năm. Năm 2021, DBC đã hoàn tất đầu tư (~1.000 tỷ đồng) trang trại tại Tuyên Quang với quy mô 2.000 con lợn nái, dự kiến cung ứng 60.000 heo giống thương phẩm mỗi năm.
Kết thúc quý đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu tăng hơn 13% lên 2.806 tỷ đồng. Khác với HAGL, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 60% xuống 254 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, bằng 2,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ quý 2/2019 của Công ty.
DBC lý giải diễn biến phức tạp của cuộc chiến Nga – Ukraine đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào như ngô, lúa mì, đậu tương… bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng cùng khó khăn, cản trở từ dịch bệnh đã khiến chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.
"Trong giai đoạn hiện nay, nguồn cung có thiếu hụt một phần so với nhu cầu hiện tại. Chúng tôi phối hợp với các địa phương, người chăn nuôi, doanh nghiệp để đảm bảo đáp ứng nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước", ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.
Ngoài ra, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi cũng sẽ từng bước điều chỉnh lại cơ cấu vật nuôi theo hướng tăng chăn nuôi gia súc ăn cỏ, giảm chăn nuôi lợn, gia cầm, cũng là giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Diệu An
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/thi-truong-heo-hoi-gia-heo-hoi-tang-vot-a378.html