Trong năm 2023, sản lượng trứng gia cầm của nước ta lên tới 19,22 tỷ quả.
Sản lượng gia cầm tăng cả trứng và thịt
Thống kê cho thấy, trong năm 2023, sản lượng trứng gia cầm của nước ta lên tới 19,22 tỷ quả. Trong đó, lượng trứng xuất khẩu chỉ khoảng 1%, số còn lại để phục vụ tiêu dùng nội địa.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến tháng 12/2023, tổng đàn gia cầm ở nước ta là gần 559 triệu con, tăng 3,3% so với năm 2022, trong đó có gia cầm nuôi lấy thịt và gia cầm đẻ trứng.
Tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt gần 2,31 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng trứng gia cầm năm 2023 ước đạt 19,22 tỷ quả, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trứng gia cầm (trứng tươi và trứng qua chế biến) của nước ta đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, xuất khẩu trứng gia cầm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng trứng của cả nước, số còn lại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Trứng gia cầm Việt Nam đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1%.
Trong tháng 12 năm 2023, giá trứng gà công nghiệp ở miền Bắc tăng 250-400 đồng/quả lên 2.250-2.500 đồng/quả; giá trứng gà miền Trung giữ ở mức 2.200-2.300 đồng/quả; giá trứng gà miền Đông Nam Bộ là 2.100-2.200 đồng/quả, giảm 50 đồng/quả; miền Tây Nam Bộ giữ mức 2.000-2.100 đồng/quả. Với mức giá này, người chăn nuôi gà đẻ trứng có lãi nhẹ.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm đứng top đầu thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành hàng này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Trứng gia cầm có giá "bình dân" cần đẩy mạnh xuất khẩu
Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2022, một người Việt Nam tiêu thụ bình quân 184 quả trứng gia cầm, mức khá thấp so với nhiều nước. Trong khi, ở nước ta trứng gia cầm là một trong những loại thực phẩm có giá bán lẻ khá bình dân, chỉ dao động từ 2.800-4.500 đồng/quả tuỳ loại.
Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, chăn nuôi gia cầm đẻ trứng còn dư địa lớn khi tiêu thụ trứng của nước ta năm 2030 dự kiến đạt 250 quả/người. Cùng với đó, cơ hội xuất khẩu của ngành trứng Việt Nam cũng mở rộng khi chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại, thị trường truyền thống đang mở cửa trở lại.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản, xây dựng nhà máy sản xuất trứng sạch với dây chuyền máy móc nhập khẩu hiện đại, tự động.
Theo nhiều chuyên gia, cơ hội xuất khẩu của ngành trứng Việt Nam cũng mở rộng khi chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại, thị trường truyền thống đang mở cửa trở lại. Trong khi thị trường trong 10 năm tới nhu cầu tiêu dùng trứng toàn cầu tăng 5,4%.
Cuối tháng 7/2023, sau hơn 4 năm, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đã gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y - cũng cho biết, mới đây, Bộ NN-PTNT đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ.
Theo ông Long, chăn nuôi gia cầm ở Mông Cổ chiếm tỷ trọng rất thấp. Vì vậy, đây là một thị trường tiềm năng. Các sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường này.
Việt Nam có thế mạnh phát triển chăn nuôi gia cầm. Đây cũng là lĩnh vực tạo sinh kế cho người dân, tuy nhiên giá thành sản phẩm chăn nuôi như trứng, thịt bấp bênh nên dẫn tới thiếu ổn định. Do vậy việc đẩy mạnh xuất khẩu trứng gia cầm sẽ góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/viet-nam-san-xuat-ra-gan-20-ty-qua-trung-gia-cam-chi-xuat-khau-1-a3958.html