Công ty CP XNK Nutri Soil (TP. Buôn Ma Thuột) đã xuất khẩu lô hàng mắc ca chính ngạch đầu tiên tới Hàn Quốc.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh, nông sản Đắk Lắk đã từng bước khẳng định thương hiệu và chinh phục tốt thị trường quốc tế, nhất là ở các quốc gia khó tính. Điều đó khẳng định rằng chất lượng hàng hóa nông sản đã tăng lên so với trước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã chủ động hơn trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, hiểu rõ quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm, các thủ tục về xuất nhập khẩu.
Nổi bật là lô hàng 677 thùng mắc ca có khối lượng hơn 10 tấn, được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hàn Quốc lần đầu tiên của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nutri Soil (TP. Buôn Ma Thuột). Sản phẩm của công ty đã trải qua nhiều khâu kiểm tra và kiểm soát rất chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn. Từ an toàn vệ sinh thực phẩm, sinh vật gây hại, quy cách đóng gói và truy xuất nguồn gốc.
Trước đó, trong tháng 1/2024, hai lô hàng trái cây sấy gồm 7 tấn xoài sấy dẻo và gần 1,3 tấn long nhãn, măng cụt sấy thăng hoa cũng đã được Công ty Cổ phần Nông sản N&H (TP. Buôn Ma Thuột) xuất sang sang thị trường Hàn Quốc. Và đây cũng là đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty này.
Một số nghiên cứu thị trường trong những năm qua cho thấy người tiêu dùng tại nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ đang dần biết đến và rất ưa thích các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng và quy chuẩn hàng hóa nông sản. Để giải quyết điều này, doanh nghiệp đã chủ động liên kết với nông dân, nông trại để xây dựng các vùng trồng theo tiêu chuẩn của từng thị trường. Định hướng chung là hữu cơ và VietGAP.
Phân loại sầu riêng để xuất khẩu tại một cơ sở kinh doanh nông sản ở huyện Krông Pắc.
Song song đó, doanh nghiệp còn đầu tư vào công nghệ sấy thăng hoa theo tiêu chí không đường, không hương liệu tổng hợp, không dầu, không chất bảo quản. Mục tiêu là giữ nguyên phẩm chất nông sản, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn đến tay người tiêu dùng. Việc đồng bộ sản xuất cũng, chú trọng đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng được doanh nghiệp coi trọng. Đây là bước tiến tạo ra sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc phát triển thêm các thị trường xuất khẩu mới.
Thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế, hàng hóa, nông sản của Đắk Lắk đã thâm nhập sâu vào thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Trong đó, các sản phẩm hạt sấy, trái cây sấy đặc biệt đưa ưa thích. Đồng thời, các mặt hàng nông sản cũng đáp ứng được những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe của các quốc gia lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ả Rập. Dự địa xuất khẩu của Đắk Lắk ở các thị trường khác vẫn còn đang rất lớn.
Năm 2023 đánh dấu tốc độ tăng trưởng cao nhất của nông nghiệp Đắk Lắk.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, năm 2023 tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt mức 4,88% - cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản như: sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo tăng cao và Đắk Lắk đẩy mạnh được xuất khẩu chính ngạch vào nhiều thị trường. Tổng giá trị thu nhập tăng 15.000 tỷ so với năm 2022, đóng góp cho kinh tế và nâng cao đời sống cho bà con nông dân tỉnh nhà. Kim ngạch xuất khẩu của Đắk Lắk lần đầu tiên cán mốc 1,6 tỷ USD.
Năm 2024 Đắk Lắk đặt mục tiêu cho xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD và nỗ lực thực hiện để đạt được điều đó. Tỉnh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường xuất khẩu các nhóm nông sản chủ lực, đưa đời sống kinh tế xã hội của địa phương đi lên./.
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/dak-lak-dua-nong-san-chinh-phuc-thi-truong-quoc-te-a4032.html