Cụ thể, khó khăn cho việc xuất khẩu ngành hàng nông nghiệp chủ lực có thể nhìn thấy rõ khi đây là tháng thứ hai liên tiếp ngành hàng xuất khẩu quan trọng này giảm đà xuất khẩu.
Qua đó, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù vậy, tính chung 7 tháng qua, giá trị xuất khẩu lâm sản vẫn tăng 1,3% so với cùng kỳ, ước đạt 10,42 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6%.
Cũng trong 7 tháng vừa qua, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Nỗi lo giảm đơn hàng xuất khẩu
Theo khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho thấy, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).
Tại thị trường EU, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Thị trường Anh cũng không khả quan hơn bao nhiêu, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.
Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
Diệu An
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/xuat-khau-san-pham-go-giam-toc-a439.html