Từ tháng 3, các địa phương trồng vải chủ lực đều cho biết trà vải sớm giai đoạn nở hoa, đậu quả phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%. Những tín hiệu này cho thấy mùa vải thiều năm nay sẽ cho năng suất cao.
Niềm vui đến với bà con các vùng trồng vải đều được mùa với sản lượng dồi dào. Đến thời điểm này, khi dịch bệnh tạm lắng, tình hình kinh tế, tiêu dùng trong nước đã dần hồi phục đang giúp cho đầu ra của trái vải thuận lợi hơn, dù trước đó bà con cũng còn nhiều lo lắng.
Đúng 1 năm về trước, việc thu mua vải gặp nhiều khó khăn do các chốt kiểm soát dịch chặt chẽ, vải chín đầy đồng mà không thể xuất bán. Tuy nhiên, hiện khi dịch bệnh được kiểm soát, niềm vui đã trở lại với bà con Hợp tác xã (HTX) Minh Tiến. Thương lái về thu mua tận vườn. Từ giữa tháng 5, thị trường đã sôi động, giá tăng gấp đôi so với năm 2021. "Rất mừng là năm nay sản phẩm của chúng tôi bán ra dễ hơn, thương lái đến nhiều hơn, đơn đặt hàng nhiều hơn so với năm ngoái", chị Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Tiến, Hưng Yên, chia sẻ.
Ảnh minh họa
Huyện Phù Cừ (Hưng Yên) là nơi được quy hoạch chuyên trồng vải chín sớm của Hưng Yên với diện tích 700 ha, sản lượng hơn 10.000 tấn. Huyện đã chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải chín sớm với sự tham gia của 100 thương nhân, giúp ký kết sớm các hợp đồng tiêu thụ.
Tại Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 8.900 ha trồng vải, trong đó huyện Thanh Hà có 3.250 ha, thành phố Chí Linh 3.400 ha. Năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh ước đạt hơn 60.000 tấn, tăng khoảng 10% tấn so với năm 2021. Toàn tỉnh có hơn 610 ha trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tập trung ở Thanh Hà và TP Chí Linh. Trong đó, có 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha và 41 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 500 ha.
Vải sớm bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 15/5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5 - 5/6 với sản lượng ước đạt hơn 35.000 tấn. Trà vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ ngày 10/6, thu hoạch rộ từ ngày 15 - 25/6 với sản lượng hơn 25.000 tấn.
Theo bảng giá trên website của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, tính đến thời điểm ngày 25/5, giá bán buôn vải sớm "U trứng trắng" tại Thanh Hà dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg; Vải "U trắng gai" dao động từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg.
Năm nay, thời tiết thuận lợi giúp vườn vải tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả hứa hẹn vụ bội thu về năng suất và chất lượng cao hơn những vụ trước.
Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang - nơi được coi là thủ phủ vải thiều của cả nước với diện tích vải thiều chính vụ tập trung ở huyện Lục Ngạn còn vải sớm tập trung ở huyện Tân Yên.
Vào những ngày cuối tháng 5, huyện Tân Yên đang tất bật vào vụ thu hoạch. Năm nay, người dân vùng trồng vải sớm tỏ ra vui mừng vì quả được mùa, được giá, thuận lợi đầu ra.
Theo UBND huyện Tân Yên, năm 2022 tổng diện tích sản xuất vải của huyện là 1.340ha, sản lượng đạt khoảng 16.500 tấn, trong đó vải sớm là 1.170ha, sản lượng đạt 14.500 tấn, vải muộn là 2.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên 880ha, trong đó diện tích vải đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 350ha. Dự kiến thời gian bắt đầu thu hoạch vải sớm từ ngày 25/5, thời gian thu hoạch tập trung từ 01/6 đến ngày 10/6/2022.
Nhìn từ vụ vải thiều năm 2021 và kế hoạch năm nay của Hải Dương, Bắc Giang cho thấy khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, linh hoạt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, việc tiêu thụ nông sản sẽ thuận lợi hơn, nhất là kết nối sớm với các đầu mối xuất khẩu.
Để xuất khẩu, nâng giá trị vải thiều, không chỉ là tiêu chuẩn trồng, chất lượng của quả vải, mà còn phải đáp ứng được quy định xuất khẩu từ phía đối tác nhập khẩu. Ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã sớm ban hành kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều để các ngành, các địa phương chủ động từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại đến kết nối tiêu thụ.
Tuệ Nhi
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/vai-thieu-vao-vu-som-thuong-lai-thu-mua-tan-vuon-a51.html