"An toàn thông tin về Trí tuệ nhân tạo - AI" với cuộc sống con người

Ngày 27/5/2022, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “An toàn thông tin về Trí tuệ nhân tạo - AI”. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, các chuyên gia An toàn Thông tin (ATTT) chia sẻ nhiều hơn về cơ hội hợp tác trong việc giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, tiếp cận và học hỏi các kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp về lĩnh vực An toàn thông tin trong AI.

Công nghệ AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo) hiện đang là công nghệ được quan tâm phát triển và ứng dụng bậc nhất hiện nay, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận dạng khuôn mặt, xử lý giọng nói, kỹ thuật ước tính đám đông đến các hệ thống an ninh, bảo mật, hay hệ thống pháp luật, chính phủ.

1-1653641258-1653709704.jpeg
 

Quang cảnh Hội thảo “An toàn thông tin về Trí tuệ nhân tạo - AI” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Một trong những hướng phát triển nhanh của công nghệ thông tin (CNTT) là chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo (AI). Các hệ thống thông minh với khả năng xử lý thông tin khổng lồ đang hàng ngày trở thành trợ thủ giúp ích cho các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc ra quyết định và định hướng kinh doanh, marketing, tuyển dụng, đào tạo, ra chính sách…

TS Phạm Huy Hoàng - Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam cho biết: “Từ nền tảng của ngành CNTT, chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo sẽ giới thiệu và đi sâu nghiên cứu các hệ chuyên gia, tương tác người - máy và ứng dụng trong các môi trường như hệ đa phương tiện; xử lý hình ảnh, âm thanh; phân tích dữ liệu lớn. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được coi là một trong những công nghệ quan trọng hàng đầu, giúp con người giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống”.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người. Nhìn chung, đây là một ngành rất rộng, bao gồm các yếu tố tâm lý học, khoa học máy tính và kỹ thuật. Trong đó, phổ biến về AI có thể kể đến ô tô tự lái, phần mềm dịch thuật tự động, trợ lý ảo trên điện thoại hay đối thủ ảo khi chơi trò chơi trên điện thoại. 

AI là công nghệ sử dụng đến kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người, được xem là phổ biến nhất. Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. 

Đồng thời, AI là lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin, bản chất của trí tuệ nhân tạo vẫn do con người làm ra, họ xây dựng các thuật toán, lập trình bằng các công cụ phần mềm công nghệ thông tin, giúp các máy tính có thể tự động xử lý các hành vi thông minh như con người.

PGS - TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), Phó Chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như con người. Tất cả là do AI được cài một cơ sở dữ liệu lớn, được lập trình trên cơ sở dữ liệu đó và tái lập trình trên cơ sở dữ liệu mới sinh ra. Cứ như vậy cấu trúc của AI luôn thay đổi và thích nghi trong điều kiện và hoàn cảnh mới”. 

Hiện nay, AI đã xuất hiện trong nhiều ngành, từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo và ngân hàng trực tuyến đến giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe. AI đã thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp tiến lên và thay đổi cuộc sống của con người.

Theo TS Tăng Thị Hà Yên, Quản lý Khoa học dữ liệu, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến Momo: “Công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có thể là chìa khóa để tiến tới việc cải tiến cải cách hành chính hiệu quả, triệt để, giúp thay đổi đáng kế và giải quyết nhiều vấn đề bất cập hiện nay về quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp”. 

Điển hình về công nghệ AI đó là việc ứng dụng AI vào hệ thống chatbot (trả lời tự động) và trợ lý ảo tại các trung tâm hành chính. Điều này cho phép người dân truy vấn thông tin nhận được câu trả lời nhanh chóng, hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng xếp hàng, chờ đợi như trước kia.

Với lượng dữ liệu khổng lồ lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chính phủ, AI có khả năng tổ chức và kết hợp nhiều bộ dữ liệu để rút ra thông tin, cũng như tóm tắt một loạt các dạng dữ liệu. Tuy nhiên để triển khai được tốt hiệu quả, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin cũng cần được hệ thống AI quan tâm và vá kín.

Công nghệ AI đã mang lại thành công lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau, tuy nhiên đỉnh cao phát triển của nó vẫn chưa đến. Với xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng trong đời sống xã hội đang thay đổi không ngừng, công nghệ AI đang là điểm đến nhiều hơn nữa của đa số các nhà khoa học trong tương lai.
Cùng với đó là những lưu ý, hay nói cách khác là những mặt trái của AI khi áp dụng vào công việc và cuộc sống. Do đó, con người cần biết cách ứng dụng để mang lại hiệu quả cao nhất đối với AI.

Minh Hà

Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/an-toan-thong-tin-ve-tri-tue-nhan-tao-ai-voi-cuoc-song-con-nguoi-a56.html