Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 250 khách mời là lãnh đạo các cấp Trung ương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và lãnh đạo các địa phương tại khu vực phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh; Các Hiệp hội; Doanh nghiệp; Chuyên gia trong và ngoài nước.
Chương trình Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ” do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 7/2022, là giai đoạn 2 tiếp nối Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019 do báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) tổ chức.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ cho biết: “Để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế cần rất nhiều yếu tố tạo thúc đẩy từ chính sách đúng đắn từ cơ quan hoạch định chính sách đến những bước đi trong đầu tư, sản xuất vững chắc, nắm bắt nhanh những cơ hội của doanh nghiệp, sự ủng hộ của đông đảo chuyên gia, người lao động”.
"Trong chương trình Hội thảo mở đầu chuỗi sự kiện lần này, Ban tổ chức mong tiếp tục nhận được những những góp ý giải pháp, hiến kế đa chiều nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế trong giai đoạn hiện nay”, ông Lê Thế Chữ cho biết thêm.
Giai đoạn 2 tại Hội thảo là diễn đàn “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ” tập trung vào việc tìm giải pháp cho vấn đề thực trạng và gỡ khó để phát triển ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, câu chuyện liên kết các doanh nghiệp, liên kết vùng, cụm công nghiệp để phát triển nội lực, thúc đẩy Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.
Thời gian qua, sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, góp phần hình thành nên “bức tranh” toàn cảnh với rất nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Làm sao để có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp nước ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu? Đó cũng chính là câu hỏi quan trọng được đưa ra thảo luận tại hội thảo: “Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Dưới góc độ Chuyên gia, ông Phil Kyun Choi - Giám đốc phụ trách mảng doanh nghiệp Hàn Quốc đã có những nhận định về xu hướng chuyển dịch, chia sẻ về câu chuyện quy hoạch, mô hình liên kết các cụm, khu công nghiệp tại Hàn Quốc và những gợi ý ứng dụng mô hình này tại Việt Nam.
Trước sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, nhiều Tập đoàn trong và ngoài nước như Tập đoàn Lego, Tập đoàn Thaco - Trường Hải đã có những chiến lược mở rộng, đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Đỗ Minh Tâm - TGĐ Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (Tập đoàn Thaco) đã trình bày tham luận về mô hình liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước để chia sẻ về thị trường, đơn hàng, nguồn nhân lực, công nghệ và quản trị. Qua đó, phối hợp sản xuất, kinh doanh, cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistic, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương; Các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào các địa phương; Cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các địa phương lân cận để liên kết, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt, phần hỏi - đáp giữa các doanh nghiệp và các đại biểu khách mời, chuyên gia xoay quanh vấn đề: Các doanh nghiệp được gì khi liên kết với nhau; Chính sách hỗ trợ, tiêu chí, điều kiện để liên kết giữa các doanh nghiệp; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, chia sẻ về công nghệ, đơn hàng để tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau sự kiện mở đầu tại Bình Dương, diễn đàn sẽ tiếp tục với các hoạt động truyền thông, Cuộc thi: Chuyện nghề của tôi, và 2 sự kiện Hội thảo sẽ được tổ chức tại khu vực miền Trung, miền Bắc trong thời gian tới.
Trang Thảo
Link nội dung: https://doanhnghiepvadoisong.com.vn/chuyen-dich-chuoi-cung-ung-co-hoi-cho-doanh-nghiep-viet-nam-a639.html